Nguồn gốc Bảng chữ cái tiếng Anh và 26 chữ cái

Bài Viết

Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tức

Lịch sử hình thành bảng chữ cái tiếng Anh chất chứa đầy những điểm thú vị và quá trình phát triển mỗi chữ cái trong bảng đều gắn liền với một câu chuyện riêng. Mặc dù tiếng Anh được sử dụng rộng rãi, nhưng đối với những ai không phải người bản ngữ, tiếng Anh lại là một trong những ngôn ngữ khó học nhất. Thực vậy, trong tiếng Anh tồn tại rất nhiều điểm thiếu nhất quán bởi ngôn ngữ này đã chịu tác động của một số ngôn ngữ khác trong thời kỳ phát triển. Các học giả, nhà truyền giáo và những kẻ xâm lăng đã góp phần định hình nên thứ tiếng Anh mà chúng ta biết và đang sử dụng ngày nay.

Tổ tiên của chữ viết

Hình thức viết sơ khai của bảng chữ cái xuất hiện vào khoảng 4000 năm trước. Theo nhiều học giả, chữ viết được phát minh tại Ai Cập trong khoảng thời gian từ năm 1800 – 1900 TCN, bắt nguồn từ hình thức chữ viết Proto-Sinaitic (Proto-Canaanite) nhưng không được biết đến rộng rãi vào thời điểm đó.
Khoảng 700 năm sau, người Phoenicia đã xây dựng một bảng chữ cái dựa trên các nền tảng trước đó. Bảng chữ cái này được sử dụng rộng rãi ở vùng Địa Trung Hải, bao gồm Nam Âu, Bắc Phi, Bán đảo Iberia và Levant. Bảng chữ cái gồm 22 chữ, tất cả đều là phụ âm.
Năm 750 TCN, người Hy Lạp bổ sung thêm nguyên âm vào bảng chữ cái của người Phoenicia, và sự kết hợp này được coi là bảng chữ cái thực sự đầu tiên. Sau đó người Latinh (La Mã) chiếm lấy bảng chữ cái này và kết hợp với một số ký tự của người Etrusca như chữ S và F. Vào khoảng thế kỷ III, người Latinh cổ đại đã loại bỏ các chữ cái G, J, V/U, W, Y và Z. Khi đế chế La Mã thống trị một số khu vực trên thế giới, họ truyền bá bảng chữ cái La Mã có nguồn gốc từ phiên bản Latinh, mặc dù các chữ cái J, U/V và W vẫn bị loại bỏ.

Sự phát triển của bảng chữ cái tiếng Anh

Khi đế chế La Mã đến nước Anh, họ cũng mang theo cả ngôn ngữ Latinh. Tại thời điểm đó, nước Anh đang thuộc quyền kiểm soát của người Anglo-Saxon, một bộ lạc German sử dụng tiếng Anh Cổ. Khi ấy, tiếng Anh Cổ sử dụng một bảng chữ cái cổ hơn là Futhorc, hay còn gọi là bảng chữ cái rune.

Tiếng Anh Cổ

Sự kết hợp giữa bảng chữ cái Latinh và bảng chữ rune cổ Futhorc đã dẫn đến sự ra đời của bảng chữ cái tiếng Anh hiện đại. Một số bổ sung từ bảng chữ cái rune là chữ “thorn” tạo thành âm “th” và chữ “wynn” tạo thành âm “w”, bởi trong bảng chữ cái Latinh không có chữ cái “w”. Cụ thể vào thời Trung Cổ, khi người Anh ngừng sử dụng bảng chữ rune cổ, chữ “thorn” cuối cùng đã được thay thế bằng “th” và chữ “wynn” cổ trở thành “uu” và sau này phát triển thành “w”.
Trong những năm sau đó của thời kỳ này, các chữ cái “j” và “u” lần lượt được bổ sung và nâng số lượng chữ cái lên 26. Tuy nhiên, các tổ hợp chữ cái như “æ”, “œ” và ký hiệu “&” đã được đưa vào bảng chữ cái.

Tiếng Anh Trung cổ

Khi người Norman xâm lược nước Anh vào năm 1066 sau CN, những người thuộc tầng lớp dưới vẫn sử dụng tiếng Anh Cổ. Các học giả, giáo sĩ và quý tộc viết và nói bằng tiếng Latinh hoặc Norman. Sau hai thế kỷ dưới sự cai trị của người Norman, chữ viết bằng tiếng Anh đã phổ biến trở lại, tuy nhiên một số chữ cái của tiếng Anh Cổ đã bị loại bỏ. Geoffrey Chaucer đã sử dụng tiếng Anh Trung cổ khi viết tác phẩm Truyện cổ Canterbury Wife of Bath.

Tiếng Anh Hiện đại

Vào thế kỷ XV, William Caxton đã giới thiệu báo in vào nước Anh. Tại thời điểm này, ngôn ngữ Anh đã được chuẩn hóa. Từ việc được sử dụng thay thế cho nhau, hai chữ cái V và U đã được tách biệt, chữ V trở thành phụ âm và U trở thành nguyên âm.
Table Alphabeticall là cuốn từ điển tiếng Anh đầu tiên được xuất bản bởi Robert Cawdrey vào năm 1604. Cũng trong thời kỳ này, chữ cái J đã được đưa vào tiếng Anh Hiện đại.

Bảng chữ cái là gì?

Bảng chữ cái bao gồm các chữ cái được sử dụng trong một ngôn ngữ, với thứ tự cố định dựa trên quy ước của người dùng. Bảng chữ cái được sử dụng để viết và các ký hiệu dùng để viết được gọi là chữ cái. Mỗi chữ cái đại diện cho một âm (còn gọi là âm vị) được sử dụng trong ngôn ngữ nói. Với sự hỗ trợ của hướng dẫn đọc tiêu chuẩn, dấu cách và dấu chấm câu, bảng chữ cái tạo thành các từ mà người đọc có thể dễ dàng đọc được.
Thuật ngữ “alphabet” (bảng chữ cái) được cấu thành từ hai chữ cái đầu tiên của bảng chữ cái Phoenicia – “Aleph” và “Beth”. Trong khi một số ngôn ngữ có hệ thống bảng chữ cái riêng, thì bảng chữ cái Latinh là bảng được sử dụng phổ biến nhất và được dùng chung trong một số ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh.
Câu chuyện về các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh
Bảng chữ cái hiện đại gồm 26 chữ cái xuất hiện vào thế kỷ XVI. Sự phát triển của bảng chữ cái tiếng Anh chịu ảnh hưởng của chữ viết Semit, Phoenicia, Hy Lạp và La Mã, trong đó mỗi chữ cái đều có một câu chuyện hình thành thú vị.

Chữ A

Chữ A bắt đầu được sử dụng vào những năm 1800, có hình dáng ban đầu lộn ngược lại so với hiện tại. Khi đảo ngược, chữ cái này nhìn giống đầu của một loài động vật có sừng hoặc gạc (). Điều này hoàn toàn hợp lý, bởi trong ngôn ngữ Semit cổ, chữ cái này là aleph (có nghĩa con bò đực). Người Hy Lạp cần các ký hiệu nguyên âm nên gọi chữ cái này là alpha (A), sau đó người La Mã chuyển sang dùng là A.

Chữ B

Hình dáng ban đầu của chữ B được mượn từ chữ tượng hình Ai Cập với chữ cái nằm ngả trên phần bụng chữ. Trong hình dáng ban đầu, chữ B giống như một ngôi nhà có cửa ra vào, mái và phòng (). Khoảng 4000 năm trước, chữ B đại diện cho “nơi trú ẩn”. Người Hy Lạp gọi chữ cái này là beta (B), và sang đến người La Mã thì trở thành B.

Chữ C

Chữ cái này bắt nguồn từ ngôn ngữ Phoenicia. Nó có hình dáng giống bumerang hay cây gậy của người thợ săn (). Người Hy Lạp gọi chữ C là gamma (Γ) và từ cách viết ban đầu, chữ được lật lại thành hướng như ngày nay khi người Ý tạo ra hình dáng lưỡi liềm đẹp hơn cho chữ cái này.

Chữ D

Daleth là tên mà người Phoenicia dùng để gọi chữ D vào năm 800 TCN. Ban đầu, chữ cái này trông gần giống một hình tam giác ngả về bên trái (), có nghĩa là “cửa ra vào” (door). Khi người Hy Lạp sử dụng bảng chữ cái, họ gọi chữ cái này là delta (Δ) . Sau đó, chữ D được lật ngược lại và người La Mã đã sửa nét bên phải của chữ cái thành hình bán nguyệt.

Chữ E

Khoảng 3.800 năm trước, chữ E được phát âm giống như chữ H trong ngôn ngữ Semit. Nó trông giống hình người bằng que với hai tay và một chân (). Vào năm 700 TCN, người Hy Lạp đã lật ngược chữ cái này lại và sử dụng làm nguyên âm epsilon (E). Người La Mã sau đó dùng làm chữ E.

Chữ F

Chữ F bắt nguồn từ ngôn ngữ Phoenicia và ban đầu trông giống chữ Y hơn (). Cách phát âm của nó gần giống với waw. Người Hy Lạp cổ đặt lại tên cho chữ này là digamma và bỏ bớt nét ở một đầu, khiến nó trông giống chữ F ngày nay. Người La Mã thay đổi cho chữ này đẹp hơn bằng cách sửa nó thành hình dạng hình học và phát âm là “fff”.

Chữ G

Chữ G xuất phát từ chữ zeta trong tiếng Hy Lạp. Ban đầu, nó trông giống chữ I () nhưng được phát âm là “zzz”. Người La Mã biến đổi hình dáng chữ này vào khoảng năm 250 TCN, bổ sung thêm nét phía trên và phía dưới cùng với cách phát âm “g”. Bảng chữ cái Latinh không có âm “z”. Trong quá trình phát triển, đường thẳng trở thành đường cong và cuối cùng là hình lưỡi liềm ngày nay.

Chữ H

Chữ H có nguồn gốc từ tiếng Ai Cập và được sử dụng làm ký hiệu cho hàng rào (). Người Hy Lạp đã sử dụng chữ cái này để đại diện cho nguyên âm eta (H), trong khi người La Mã sử dụng như chữ H.

Chữ I

Vào năm 1000 TCN, chữ I được gọi là “yod”, có nghĩa là bàn tay và cánh tay (). Người Hy Lạp gọi chữ cái này là iota (I) và xoay theo hướng thẳng đứng. Trong quá trình phát triển, nó được chuyển thành đường thẳng vào khoảng năm 700 TCN.

Chữ J

Vào thời cổ đại, chữ I còn được sử dụng để đại diện cho âm “J”. Chữ J bắt đầu có hình dạng riêng vào thế kỷ XV nhờ đóng góp của ngôn ngữ Tây Ban Nha. Chữ cái này chỉ bắt đầu xuất hiện phổ biến trong các ấn phẩm in vào khoảng năm 1640.

Chữ K

Chữ K là một chữ cái cổ, xuất phát từ chữ tượng hình Ai Cập (). Trong ngôn ngữ Semit, nó được gọi là kaph với ý nghĩa lòng bàn tay. Tại thời điểm đó, chữ cái này quay mặt về hướng ngược lại (). Khi được người Hy Lạp sử dụng vào năm 800 TCN, chữ K trở thành kappa (K) và xoay về hướng bên phải. Sau đó, người La Mã sử dụng là K.

Chữ L

Trong tiếng Semit cổ, chữ L được viết lộn ngược so với ngày nay (). Vì thế, nó trông giống hình móc câu. Chữ cái này vốn được gọi là El, có nghĩa là Chúa. Người Phoenicia đã xoay chữ cái này lại giống với ngày nay nhưng hình móc câu lại quay về phía trái (). Móc câu được kéo thẳng ra và tên chữ được đổi thành lamedh (phát âm là lah-meh), chỉ một cây gậy để đuổi gia súc. Người Hy Lạp gọi chữ L là lambda (Λ) và xoay nó về phía phải. Hình dạng cuối cùng của chữ L với phần chân thẳng vuông góc ở bên phải là sản phẩm của người La Mã.

Chữ M

Chữ M nguyên bản là những đường thẳng đứng lượn sóng với 5 đỉnh, đại diện cho nước theo ngôn ngữ Ai Cập (). Vào năm 1800 TCN, người Semit giảm số lượng nét xuống còn 3 con sóng và người Phoenicia bỏ tiếp 1 hình sóng nữa (). Vào năm 800 TCN, các đỉnh được chuyển thành hình zigzag và xoay theo chiều ngang thành chữ M mà chúng ta biết ngày nay.

Chữ N

Một ký tự Ai Cập khác là chữ N, có hình dáng ban đầu giống một gợn sóng nhỏ phía trên một gợn sóng lớn hơn, biểu trưng cho rắn hổ mang hay con rắn (). Chữ cái này được người Semit cổ đại phát âm là n, đại diện cho con cá. Khoảng năm 1000 TCN, chỉ còn một gợn sóng được giữ lại () và người Hy Lạp gọi chữ cái đó là nu (N), trong khi người La Mã sử dụng là N.

Chữ O

Chữ cái O cũng bắt nguồn từ ngôn ngữ Ai Cập (). Nó được gọi là eye trong tiếng Ai Cập và ayin trong tiếng Semit. Người Phoenicia sau này đã giản lược chữ tượng hình và chỉ giữ lại đường nét bên ngoài của con ngươi.

Chữ P

Trong tiếng Semit cổ, chữ P ngày nay trông giống chữ V lật ngược (). Nó được phát âm là pe, có nghĩa là miệng. Người Phoenicia thay đổi đỉnh của nó thành hình móc câu nghiêng (). Vào năm 200 TCN, người La Mã đã xoay móc câu về phía phải và kéo móc câu thành nét kín để tạo thành chữ P.

Chữ Q

Ban đầu, chữ Q được phát âm giống qoph, dịch nghĩa là cuộn len hay con khỉ và được viết là hình vòng tròn với một đường thẳng đứng cắt ngang (). Trong các ký tự khắc trên bia đá của người La Mã vào khoảng năm 520 TCN, chữ cái này có hình dạng như ta biết ngày nay.

Chữ R

Hình người quay mặt về bên trái là hình dáng nguyên bản của chữ cái R theo cách viết của người Semit (). Nó được phát âm là resh, có nghĩa là đầu. Người La Mã đã xoay chữ cái này về bên phải và thêm vào đường chéo dưới chân.

Chữ S

Chữ S trông giống con sóng nằm ngang () từng được dùng làm biểu tượng cho cây cung của một cung thủ. Hình dáng góc cạnh của chữ S có nguồn gốc từ người Phoenicia – họ gọi chữ cái này là shin có nghĩa là răng. Người Hy Lạp xoay chữ cái này lại theo chiều thẳng đứng và gọi nó là sigma (Σ), sau đó người La Mã làm tròn các nét để tạo thành chữ S mà chúng ta biết ngày nay.

Chữ T

Người Semit cổ đại sử dụng hình thức viết thường của chữ T mà ta thấy ngày nay (). Người Phoenicia gọi nó là taw (dấu) với cách phát âm giống như tee. Người Hy Lạp gọi chữ cái này là tau (T) và chuyển dấu gạch ngang lên trên cùng nhằm phân biệt nó với chữ X. Người La Mã sử dụng ký hiệu này cho chữ T.

Chữ U

Giống như chữ F, chữ U cũng bắt nguồn từ chữ waw () của người Phoenicia vào năm 1000 TCN. Sau này người Hy Lạp sử dụng một phiên bản khác của chữ gọi là upsilon (Υ) và đặt ra phía sau bảng chữ cái. Người La Mã sử dụng một phiên bản của upsilon cho chữ V, mà sau này cũng trở thành chữ U.

Chữ V

Người La Mã sử dụng chữ U và V thay thế cho nhau. Sự phân biệt giữa hai chữ cái này bắt đầu xuất hiện vào khoảng những năm 1400.

Chữ W

Chữ W được tìm thấy lần đầu tiên vào thời Trung Cổ, khi những người ghi chép của vua Charlemagne viết hai chữ “u” cạnh nhau và ngăn cách bằng một khoảng trống. Vào thời kỳ đó, nó được phát âm giống với “v”. Chữ cái này xuất hiện lần đầu trong các bản in như một ký tự W duy nhất vào năm 1700.

Chữ X

Chữ “ksi” của người Hy Lạp cổ có cách phát âm giống chữ “X”. Dạng thức viết thường của chữ X (Ξ) được tìm thấy trong các bản thảo viết tay xuất hiện từ thời trung cổ. Cuối thế kỷ XV, các nhà in tại Ý cũng đã sử dụng dạng viết thường của chữ X.

Chữ Y

Ban đầu xuất hiện với tên gọi upsilon, chữ Y được người La Mã bổ sung vào năm 100 sau CN.

Chữ Z

Người Phoenicia từng sử dụng một chữ cái có tên zayin nghĩa là cái rìu. Ban đầu, chữ cái này trông giống chữ I với nét nhô ra ở phần đầu và chân chữ (). Khoảng năm 800 TCN, nó được người Hy Lạp sử dụng với tên gọi zeta và được phát âm là “dz”. Chữ Z đã không được sử dụng trong nhiều thế kỷ cho đến khi người Norman-Pháp đến và mang theo những từ chứa âm được thể hiện bằng chữ cái Z.

Thùy Dung

Bài viết khác

Danh mục

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin

Luôn cập nhật các tin tức và ý kiến dịch thuật từ chuyên gia

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

© 2022 - Hi5! Media