Bài Viết
Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tức
Một quy trình dịch đầy đủ và hoàn thiện bao giờ cũng bắt đầu bằng bước tiếp nhận yêu cầu của khách hàng và phân tích tài liệu cần dịch. Công việc này có được thực hiện nhanh chóng và chính xác hay không phụ thuộc rất nhiều vào định dạng tài liệu gửi dịch của khách hàng. Sẽ thế nào nếu tài liệu gửi dịch của khách hàng (văn bản nguồn) không phải là tệp tin có thể chỉnh sửa? Bài viết này sẽ cho bạn câu trả lời và thảo luận về tầm quan trọng của tệp tin có thể chỉnh sửa trong ngành dịch nói chung và đối với nhà cung cấp dịch vụ ngôn ngữ và dịch thuật viên nói riêng.
Hiểu một cách đơn giản, tệp tin có thể chỉnh sửa là một loại định dạng tệp tin văn bản cho phép người dùng thực hiện một thay đổi bất kỳ về mặt nội dung hoặc hình thức cho một mục đích cụ thể nào đó. Trong ngành dịch, tệp tin có thể chỉnh sửa cho phép dịch thuật viên tiến hành bước tiếp theo trong quy trình dịch mà không phải mất thêm thời gian và công sức cho việc chuẩn bị tài liệu dịch, đồng nghĩa với việc khách hàng có thể tiết kiệm một khoản chi phí bổ sung, dù là rất nhỏ, cho việc tạo lại tệp tin có thể chỉnh sửa từ tệp tin không thể chỉnh sửa. Về cơ bản, tệp tin có thể chỉnh sửa bao gồm các văn bản nguồn ở định dạng MS Word, Excel và PowerPoint; tệp tin không thể chỉnh sửa bao gồm các văn bản nguồn là tệp tin PDF, tài liệu scan, tài liệu bản cứng nhận được từ khách hàng.
Với tệp tin có thể chỉnh sửa, nhà cung cấp dịch vụ ngôn ngữ có thể dễ dàng tiến hành bước phân tích tài liệu kèm báo giá, chuẩn bị tài liệu dịch cho dịch thuật viên và tái tạo văn bản đích có định dạng giống với văn bản nguồn, nhờ vậy mà giảm chi phí dịch, tăng chất lượng bản dịch và giảm thời gian cung cấp dịch vụ. Câu chuyện sẽ hoàn toàn khác nếu tài liệu khách hàng gửi dịch là các tệp tin không thể chỉnh sửa như PDF (loại tài liệu chỉ đọc) hoặc tài liệu scan. Tệp tin không thể chỉnh sửa phải có phần mềm hỗ trợ (chẳng hạn như Adobe Reader và Foxit Reader) để có thể đọc được trên máy tính và trước khi có thể chuyển sang bước tiếp theo trong quy trình dịch, cần phải tạo lại văn bản nguồn bằng cách sử dụng phần mềm nhận dạng ký tự quang học (chẳng hạn như ABBYY hoặc SDL Trados Studio) để chuyển đổi tài liệu thành tệp tin Word tương thích hơn với các công cụ dịch thuật. Trong trường hợp này, nhà cung cấp dịch vụ ngôn ngữ phải lựa chọn một trong ba phương án sau đây:
• Phương án 1: Dịch thuật viên sử dụng tệp tin không thể chỉnh sửa bằng cách tạo lại một tệp tin điện tử của tài liệu cần dịch mà không có sự hỗ trợ của bất kỳ công cụ dịch thuật nào. Kết quả là bản dịch cuối cùng không được lưu trong bộ nhớ dịch (Translation Memory) và khó có thể đáp ứng được tiêu chí dịch thống nhất. Phương án này cho chất lượng dịch kém nhất.
• Phương án 2: Một nhân viên hỗ trợ của nhà cung cấp dịch vụ ngôn ngữ tái tạo tệp tin không thể chỉnh sửa thành một tệp tin điện tử để dịch thuật viên có thể sử dụng các công cụ CAT và tạo ra hai tệp tin ở ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích. Phương án này cho ra bản dịch có chất lượng tốt nhất.
• Phương án 3: Tệp tin không thể chỉnh sửa được chuyển đổi thành tài liệu nguồn bằng cách sử dụng phần mềm nhận dạng ký tự quang học (OCR) (Tuy nhiên, hiệu quả đạt được của phần mềm trong việc nhận dạng ký tự tiếng Việt (loại hình ngôn ngữ có dấu), tiếng Do Thái và tiếng Ả Rập vẫn còn rất khiêm tốn. Loại phần mềm này cũng “gặp khó” với kiểu tài liệu có chữ viết tay, tài liệu cũ, đa dạng về phông chữ hoặc sử dụng kỹ thuật in lạc hậu!) Dịch thuật viên sẽ cần tham khảo tài liệu gốc để kiểm tra các yếu tố mà phần mềm OCR không “đọc” được. Khi đó, nếu tài liệu scan/tệp tin PDF rõ ràng và ngôn ngữ nguồn dễ dịch thì kết quả nhận được có thể là một bản dịch có chất lượng tương đối tốt.
Dù lựa chọn phương án nào đi chăng nữa, nhà cung cấp dịch vụ ngôn ngữ và dịch thuật viên vẫn không thể tránh khỏi việc tạo định dạng để đảm bảo định dạng gốc và bố cục của văn bản nguồn được giữ nguyên. Vì lẽ đó, yếu tố thời gian và nhân lực xử lý cho bước thực hiện này cũng được tính thêm vào chi phí và thời gian cung cấp dịch vụ ngôn ngữ cho khách hàng.
Tóm lại, đối với các nhà cung cấp dịch vụ ngôn ngữ và dịch thuật viên trong ngành, tệp tin có thể chỉnh sửa đóng vai trò rất quan trọng vì nó là yếu tố cấu thành nên một bản dịch tốt nhất được cung cấp trong một khoảng thời gian nhất định với mức chi phí tối ưu. Nếu bạn là dịch thuật viên làm việc tại một công ty cung cấp dịch vụ ngôn ngữ hay một “freelancer”, đừng ngần ngại yêu cầu khách hàng của mình cung cấp tài liệu gửi dịch có định dạng Word, Excel hay PowerPoint nếu có thể. Còn nếu bạn là một khách hàng đã, đang và sẽ có nhu cầu gửi dịch tài liệu, hãy coi tệp tin có thể chỉnh sửa là yếu tố có thể giúp bạn nhận về một bản dịch chất lượng mà vẫn tiết kiệm thời gian và chi phí!
Trang Trần
Bài viết khác
Danh mục
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin