Bài Viết
Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tứcTrong vài năm qua, nhìn chung nhận thức của chúng ta về trí tuệ nhân tạo (AI) không mấy tích cực. AI thường bị coi là một mối đe dọa đối với cơ hội việc làm của con người. Có cả một chủ đề phim nổi tiếng về việc AI đạt đến trình độ tự nhận thức và cuối cùng có khả năng kiểm soát hoặc thậm chí tấn lại công loài người. Tuy nhiên, đằng sau những lo ngại này là những lợi ích thực sự của công nghệ AI. Trí tuệ nhân tạo có tiềm năng mang lại lợi ích đáng kể cho con người tại các quốc gia đang phát triển và chưa phát triển. Nhắc đến AI, chúng ta không chỉ nhắc đến việc tạo ra các trợ lý kỹ thuật số thông minh hoặc các robot có khả năng tự tương tác. AI cũng không chỉ mang đến các tiện ích công nghệ cao và các thiết bị lạ mắt.
1. AI góp phần tăng tính hiệu quả cho hoạt động viện trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa
Một trong những ứng dụng quan trọng nhất của AI là đẩy nhanh và tổ chức tốt hơn quá trình cứu trợ thảm họa. Điều này đã được chứng minh trong trận động đất năm 2015 ở Nepal. Đây là lần đầu tiên AI được sử dụng rộng rãi trong một dự án cứu trợ và viện trợ nhân đạo. Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (UN OCHA) đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định và lập bản đồ tất cả các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội liên quan đến nhu cầu khẩn cấp cho trận động đất ở Nepal, thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng và các hoạt động ứng phó thảm họa.
Trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng để xử lý lượng thông tin khổng lồ đến từ các vệ tinh, thiết bị di động, phương tiện truyền thông xã hội và nhiều nguồn khác. Những dữ liệu này liên quan đến vị trí của các nạn nhân thực tế và của những người có thể là nạn nhân, xác định nhu cầu cứu trợ, địa hình, thiệt hại tài sản và đội ngũ nhân viên cứu trợ hiện có, cùng các thông tin khác.
Các hoạt động ứng phó thảm họa với sự hỗ trợ của AI đã trở nên hiệu quả hơn nhờ sự hợp nhất thông tin thông minh từ vô số các nguồn khác nhau. AI giúp đội cứu trợ dễ dàng tìm ra tuyến đường tốt nhất để di chuyển đến một địa điểm bị thiên tai nhờ việc hệ thống AI có thể xác định phần cơ sở hạ tầng bị hư hại và những tuyến đường vẫn còn sử dụng được. Bản đồ số được tạo ra để giúp nhân viên cứu trợ thực hiện công tác ứng cứu cần thiết một cách kịp thời và an toàn. Công việc trở nên dễ dàng hơn khi đội cứu trợ có thể tận dụng ít nhất ba loại dữ liệu hỗ trợ (văn bản, hình ảnh và video).
Hệ thống được UN OCHA sử dụng được gọi là AIDR (Trí tuệ Nhân tạo để Ứng phó với Thảm họa). Hệ thống này có khả năng học hỏi từ chính cách thức mà hệ thống được sử dụng cùng nguồn dữ liệu đầu vào, cho phép tự động xác định nhu cầu viện trợ nhân đạo, phân loại dữ liệu (theo các nhóm: nhu cầu khẩn cấp, nỗ lực ứng phó và thiệt hại cơ sở hạ tầng), sau đó phổ biến thông tin chính xác và hữu ích. Càng được sử dụng nhiều, AIDR sẽ càng tốt hơn.
2. AI đóng vai trò là trợ giảng đáng tin cậy và không biết mệt mỏi trong việc hỗ trợ người học trong khóa học
Có những hệ thống trí tuệ nhân tạo không chỉ có khả năng học hỏi; mà còn có thể đóng vai trò như các giáo viên. Ở Châu Phi, các nền tảng giáo dục bằng AI đã được cung cấp để hỗ trợ người học hoàn thành khóa học.
Một ví dụ điển hình là Daptio, một nền tảng giáo dục thích ứng sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp học sinh học tập từ xa. Daptio chuyên về các khóa học được thiết kế để điều chỉnh nội dung, cấu trúc và công tác đánh giá dựa trên điểm mạnh và điểm yếu của học sinh, từ đó đóng vai trò là một mô hình học tập được coi là phù hợp nhất cho từng học sinh cụ thể.
Một dịch vụ giáo dục trực tuyến đáng chú ý khác ở Châu Phi là Eneza Education. Eneza chủ yếu là một nền tảng dựa trên thiết bị di động, cung cấp các bài học và đánh giá cho hơn 860.000 người đăng ký thông qua SMS và giao tiếp web. Eneza cũng cung cấp nhiều bài tập, tính năng “Ask-a-teacher”, từ điển, cũng như tính năng truy cập ngoại tuyến vào Wikipedia.
Các quốc gia đang phát triển đang phải chịu cảnh thiếu trường học và giáo viên có năng lực. Người dân ở những quốc gia này có thể không phải kém thông minh, nhưng họ không giỏi về mặt học thuật theo tiêu chuẩn quốc tế. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cơ hội học tập, thiếu các nhà giáo dục hiệu quả, cũng như thiếu một hệ thống giáo dục hiệu quả. Việc tích hợp AI trong giáo dục được coi là một giải pháp khả thi để giúp người học ở các quốc gia đang phát triển bắt kịp với phần còn lại của thế giới.
3. Cải thiện năng suất cây trồng
Ở Ấn Độ, những người nông dân đã nhờ vào AI để gia tăng sản lượng thu hoạch. Điều này được thực hiện ra sao?
Một hệ thống với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo sẽ thu thập và phân tích dữ liệu lớn để xác định thời điểm gieo trồng tốt nhất. Viện nghiên cứu cây trồng quốc tế cho vùng nhiệt đới bán khô cằn (ICRISAT), một tổ chức phi chính trị và phi lợi nhuận, đã hợp tác với Microsoft để vận hành hệ thống này.
Nông dân sử dụng hệ thống này thông qua ứng dụng AI Sowing App, tích hợp Microsoft Cortana Intelligence Suite, Power B và Machine Learning. Ứng dụng này cung cấp tư vấn gieo trồng miễn phí cho nông dân. Họ không cần phải lắp đặt bất kỳ cảm biến hoặc thiết bị nào. Tất cả những gì người nông dân cần là điện thoại có khả năng nhận tin nhắn văn bản.
Họ sẽ được nhận các tư vấn gieo trồng bao gồm thông tin về thời gian tốt nhất để làm đất, ngày gieo trồng và cách thức bón phân. Những thông tin này thay thế cho các phương pháp truyền thống dựa trên dự đoán, thường chọn ngày gieo trồng từ đầu tháng 6 đến tháng 8 vào mùa mưa. Do tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, người nông dân không còn có thể dựa vào các chu kỳ canh tác truyền thống.
Lịch gieo trồng được xác định dựa trên các tính toán về dữ liệu khí hậu trong 30 năm, từ năm 1986 đến 2015. Trí tuệ nhân tạo được sử dụng để xác định Chỉ số độ ẩm phù hợp (Moisture Adequacy Index – MAI) và thời gian gieo trồng tối ưu. Trong đợt triển khai thí điểm cho nông dân ở Ấn Độ, dữ liệu được dựa trên những gì thu được từ khu vực Devanakonda thuộc bang Andhra Pradesh.
Hệ thống sẽ tạo ra thông tin về Chỉ số độ ẩm phù hợp theo thời gian thực và dự đoán trong tương lai. Chỉ số độ ẩm phù hợp theo thời gian thực được xác định dựa trên lượng mưa hàng ngày do Hiệp hội Quy hoạch Phát triển Bang Andhra Pradesh ghi nhận. Mặt khác, Chỉ số độ ẩm phù hợp trong tương lai được dự đoán bằng cách sử dụng các mô hình dự báo thời tiết do aWhere Inc. cung cấp.
4. Tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Tục ngữ có câu: “sức khỏe là vàng”, điều này không thể đúng hơn ở các quốc gia nghèo. Khi nguồn tài nguyên eo hẹp, người dân chỉ có thể dựa vào chính cơ thể mình để sinh tồn. Bị ốm là một vấn đề nghiêm trọng đối với những người hầu như không thể có được thực phẩm đầy đủ và bổ dưỡng cho bản thân.
Trí tuệ nhân tạo có thể đóng một vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo điều trị và phòng ngừa bệnh tật đúng cách ở những khu vực nghèo tài nguyên. Cộng đồng AI để Phát triển (AI for Development) đã quan sát được các trường hợp thực tế về việc AI đang được sử dụng tại các khu vực kém phát triển, tiêu biểu như sau:
• Hệ thống chuyên gia y tế được hỗ trợ bởi AI giúp các bác sĩ trong chẩn đoán tình trạng sức khỏe và điều trị. Ở nhiều nơi như Nepal và Châu Phi, sự có mặt trực tiếp của các chuyên gia y tế là rất hiếm.Trong khi đó, các bác sĩ điều trị có thể cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa. Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế để cung cấp kiến thức và thông tin phân tích đầu ra mà các bác sĩ có thể sử dụng để đưa ra phương án chẩn đoán và điều trị tốt hơn.
• Trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để dự đoán dịch bệnh. Sử dụng AI để phân tích dữ liệu lớn, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có cơ hội tốt hơn để kịp thời kiểm soát dịch bệnh. Chi phí để ngăn ngừa dịch bệnh chắc chắn sẽ thấp hơn so với chi phí để điều trị hàng loạt. Ví dụ, người dân ở các quốc gia nghèo sẽ hiển nhiên được lợi nếu nhiễm trùng diện rộng không xảy ra.
• Sức khỏe là một khía cạnh quan trọng cho sự tiến bộ của một quốc gia. Nếu tỷ lệ tử vong cao do bệnh tật không được giải quyết, việc mang lại tiến bộ cho các khu vực chưa phát triển và đang phát triển sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Nhờ trí tuệ nhân tạo, việc cung cấp hỗ trợ chăm sóc y tế không còn khó khăn như trước đây.
5. Giúp phát triển tài năng công nghệ và cơ hội
Trí tuệ nhân tạo có khả năng trau dồi các kỹ năng hữu ích trong ngành công nghệ. Như đã đề cập, AI có thể được sử dụng cho giáo dục trực tuyến, một cách hiệu quả để giáo dục người dân ở các khu vực nghèo, thiếu nguồn lực để hỗ trợ giáo dục truyền thống. Các nền tảng giáo dục trực tuyến thông minh có thể được sử dụng để dạy lập trình, mã hóa và các kỹ năng công nghệ hữu ích khác.
Mặt khác, trí tuệ nhân tạo cũng tạo ra cơ hội mới cho các tài năng công nghệ khi AI định hình lại các ngành công nghiệp. Sự trỗi dậy của AI dự kiến sẽ thay đổi cách thức hoạt động của các ngành quan trọng. Giáo dục chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử, hoặc chính phủ với sự hỗ trợ của AI đồng nghĩa với việc cần tới nhiều tài năng công nghệ hơn.
AI có thể giúp các tài năng công nghệ cũng như ngành công nghệ phát triển mạnh ở các quốc gia đang phát triển. Do đó, nó kích thích sự phát triển từ bên trong. AI tạo ra những thay đổi đột phá, mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn, đồng thời cung cấp các phương tiện để đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho những ngành đang phát triển và thay đổi.
6. Thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua nguồn nhân lực lành nghề
Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa được coi là mối đe dọa đối với cơ hội việc làm của con người. Nhiều vị trí sẽ bị thay thế khi các ngành công nghiệp chuyển sang tự động hóa và sử dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả quy trình. Điềm báo trước này nghe có vẻ không vui nhưng ta có thể coi nó như một cơ hội để đi tắt trên con đường công nghiệp hóa. Tại sao phải đào tạo mọi người làm những công việc tay chân trong khi họ có thể được giáo dục với sự trợ giúp của các nền tảng học tập AI để xử lý các công việc phức tạp hơn với mức lương cao hơn? Thay vì chuẩn bị nguồn nhân lực để trở thành công nhân nhà máy, họ có thể được đào tạo thành các doanh nhân, nhà thiết kế web, nhà phát triển ứng dụng, kỹ sư hoặc nhà sáng tạo – tất cả đều thông qua sự trợ giúp của hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Tổng kết
Để có thể cải thiện tình trạng của các quốc gia chưa phát triển và đang phát triển, việc cung cấp công nghệ, tài nguyên và dịch vụ là chưa đủ. Tất cả mọi thứ đều phải được thực hiện một cách hiệu quả. Thông qua việc tích hợp công nghệ AI, hoạt động viện trợ nhân đạo, giáo dục, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và sản xuất thực phẩm có thể được thực hiện hiệu quả hơn, giúp loại bỏ được các quy trình không cần thiết, giảm thiểu chi phí và giảm nhu cầu cần sử dụng tới sức lực của con người.
Trưởng Nguyễn