Những khó khăn khi dịch truyện tranh

Bài Viết

Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tức

Truyện tranh là thể loại mà chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần được tiếp xúc trong đời. Loại hình văn bản nghệ thuật này được đặc trưng bởi các tranh vẽ, biếm họa, bong bóng lời thoại, từ tượng thanh hay ẩn dụ bằng hình ảnh, v.v. Với những đặc trưng về định dạng và thành phần như vậy, truyện tranh đặt ra một số yêu cầu cụ thể trong quá trình dịch thể loại này.

Bong bóng lời thoại

Có lẽ bong bóng lời thoại là một trong những thành phần đặc trưng nhất của thể loại truyện tranh. Bong bóng lời thoại không chỉ được sử dụng để diễn tả những cuộc đối thoại hay suy nghĩ của nhân vật mà còn thể hiện cách họ nói về một điều gì đó hoặc cảm thấy như thế nào qua: giọng điệu, âm điệu, âm lượng, v.v. Các dạng chữ cái hoặc hình thù bong bóng lời thoại khác nhau sẽ chỉ ra những đặc điểm khác nhau của nội dung đang được thể hiện. Khi dịch nội dung trong các bong bóng, kích thước là vấn đề có thể thách thức người dịch, vì vậy cần hết sức chú ý đến khoảng trống và font chữ cho phép. Chúng ta đều biết rằng, truyện tranh cung cấp thông tin không chỉ bằng câu từ, mà những câu từ này còn gắn liền với một hình ảnh. Điều này có nghĩa là người dịch cần giới hạn kích thước bản dịch của mình sao cho vừa vặn với khoảng trống trong bong bóng. Ngoài ra, người dịch cũng khó có thể sử dụng các giải pháp thay thế như chú thích cuối trang hay chú giải như trong những thể loại văn bản khác. Nếu có thì cũng chỉ “tranh thủ” tận dụng được một khe trống nhỏ ngăn giữa hai khung tranh để giải thích cho một số khái niệm mới trong ngôn ngữ đích.

Từ tượng thanh

Một thành tố tiêu biểu khác của truyện tranh là từ tượng thanh, mô tả các âm thanh, tiếng động trong môi trường hoặc âm thanh biểu đạt của con người dưới dạng đồ họa-chữ viết. Một ví dụ về từ tượng thanh bao gồm những từ mô tả tiếng kêu của các loài động vật như meow meow (mèo), oink oink (lợn), moo moo (bò), v.v. Những từ này có thể xuất hiện trong cả bong bóng lời thoại hoặc ngay trong chính hình vẽ minh họa. Bằng cách sử dụng từ tượng thanh, chúng ta có thể mô phỏng bất cứ thứ gì từ tiếng thổi hoặc tiếng bắn cho đến tiếng hét, thì thầm và khóc lóc. Đối với người dịch, điều quan trọng là phải luôn ghi nhớ rằng mỗi ngôn ngữ sẽ có một cách khác nhau để thể hiện những âm thanh này.

Tên gọi

Danh xưng và tên gọi của các nhân vật cũng đặt ra thách thức nhất định trong quá trình dịch. Tùy thuộc vào quốc gia mà tác phẩm sẽ được bày bán trên thị trường cũng như đối tượng độc giả mục tiêu, người dịch có thể lựa chọn dịch tên gọi và danh xưng sang ngôn ngữ đích hoặc giữ nguyên chúng như trong ngôn ngữ gốc. Ngày nay, hầu hết các danh xưng và tên gọi đều được bảo toàn như trong bản gốc, nhưng đôi khi chúng cũng được dịch ra nhằm thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng độc giả hơn. Người dịch truyện tranh cần lưu ý rằng họ không phải làm việc một mình. Công việc tích hợp bản dịch lên trang truyện luôn có một người khác phụ trách, mà thường là một nhà thiết kế đồ hoạ. Tùy thuộc vào những công cụ mà nhà thiết kế có, định dạng của tập tin gốc và các chỉ dẫn do nhà xuất bản hay thậm chí là tác giả đưa ra, người dịch sẽ không cần phải dịch một số yếu tố trong truyện tranh. Ví dụ, trong loạt truyện “Thủy thủ Mặt trăng” do Nhà xuất bản Kim Đồng mua bản quyền từ Naoko Takeuchi, nữ tác giả người Nhật này đã yêu cầu không dịch tên các câu thần chú sang tiếng Việt mà phải để nguyên ở dạng Rōmaji (hệ thống chữ cái Latinh dùng để ký âm tiếng Nhật) nhằm bảo toàn tinh thần của bản gốc.

Kết luận

Khi dịch truyện tranh, người dịch cần hiểu rằng câu chữ và hình ảnh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Người dịch xử lý phần chữ viết, nhưng phần chữ viết đã dịch cũng sẽ trở thành hình ảnh ngay khi được đặt vào khung tranh. Chúng ta phải dựa vào hình ảnh để diễn giải nội dung và tạo ra bản dịch cuối cùng. Người dịch phải hết sức chú ý đến những đặc điểm này và suy nghĩ kỹ để có thể tạo ra sản phẩm cuối cùng với chất lượng tốt nhất nhằm mang lại một trải nghiệm đọc thú vị cho độc giả.

(Nguồn: Tham khảo)

Bài viết khác

Danh mục

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin

Luôn cập nhật các tin tức và ý kiến dịch thuật từ chuyên gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2022 - Hi5! Media