Lồng tiếng và Phụ đề

Bài Viết

Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tức Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, việc tiếp xúc với các văn hóa phẩm, đặc biệt như phim ảnh, tư liệu hay chương trình ti-vi, đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Sau khi tạo ra một đoạn phim chất lượng, đơn vị sản xuất có thể sẽ muốn quảng bá sản phẩm của mình đến với nhiều đối tượng khán giả hơn bằng cách dịch bản gốc sang ngôn ngữ của thị trường mục tiêu và tìm cách tích hợp bản dịch vào đoạn phim đó. Có hai phương án chính để làm được điều này là thuyết minh và phụ đề. Mỗi phương pháp lại có những điểm mạnh và hạn chế riêng, do vậy nhà sản xuất cần cân nhắc nhiều yếu tố khi lựa chọn giữa thuyết minh và phụ đề để sử dụng cho đoạn phim của mình.

Phụ đề

Trong một đoạn phim có phụ đề, khán giả sẽ được nghe ngôn ngữ gốc và bản dịch sẽ xuất hiện ở cuối màn hình. Âm thanh của đoạn phim sẽ không bị ảnh hưởng và người xem sẽ được nghe giọng nói và ngữ điệu nguyên bản của các diễn viên. Điều này giúp cho khán giả có được trải nghiệm chân thực hơn về bộ phim gốc. Phụ đề thường được giới hạn trong tối đa là hai dòng và xuất hiện trên màn hình cùng một lúc với âm thanh trong khoảng thời gian đủ lâu để người xem có thể vừa đọc và vừa nhìn hình ảnh.
Lợi ích khi dùng phụ đề
Việc sử dụng phụ đề có một số lợi ích chính như sau:
• Chi phí sản xuất thấp vì không cần phải thuê người lồng tiếng, phòng thu hay kỹ sư âm thanh; hoàn toàn có thể áp dụng nếu kinh phí hạn chế.
• Phụ đề cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến đoạn phim gốc.
• Có thể tích hợp sẵn chế độ để người xem dễ dàng lựa chọn bật hoặc tắt phụ đề.
• Góp phần vào SEO đa ngôn ngữ vì các công cụ tìm kiếm có thể nhận diện được phụ đề.
Hạn chế khi dùng phụ đề
• Số lượng ký tự cho phép đặt ra rào cản đối với những người làm phụ đề. Trong một số ngôn ngữ, bản dịch đầy đủ có thể dài hơn bản gốc rất nhiều và không thể lọt vào hết màn hình được; vì vậy, người làm phụ đề sẽ phải sửa lại một cách phù hợp sao cho không làm tổn hại đến việc truyền tải ý nghĩa ban đầu hoặc thông điệp chính của bản gốc.
• Phụ đề làm ảnh hưởng đến không gian hiển thị trên màn hình và có thể che lấp một số yếu tố quan trọng trong đoạn phim.
• Nếu đoạn phim có nhiều người nói thì đôi khi cũng khó để phân biệt lời thoại nào là của nhân vật nào dựa vào phụ đề

Lồng tiếng

Lồng tiếng được ghi âm lại dựa trên bản dịch của lời thoại gốc. Người xem phim sẽ được nghe nội dung nói bằng ngôn ngữ của mình. Trong trường hợp này, bản dịch thường phải được chỉnh sửa để phù hợp với việc ghi âm, tùy thuộc vào sự phức tạp của ngôn ngữ gốc được sử dụng và mức độ chính xác cần có của việc đồng bộ hóa âm thanh với nội dung hình ảnh hiện trên màn hình.
Nhiều người thích lồng tiếng hơn phụ đề bởi sẽ không có chữ viết khiến họ bị phân tâm khi xem phim, họ có thể theo dõi thông tin tốt hơn khi được nghe thay vì tự mình đọc nó và sẽ không bị lỡ một hay hai câu khi nhìn đi chỗ khác trong giây lát. Thêm vào đó, khi có nhiều hơn một người nói hoặc nhân vật, việc sử dụng các giọng nói khác nhau sẽ cho phép người xem phân biệt được ai đang nói cái gì và dễ dàng hiểu cuộc đối thoại hơn.
Có các kiểu thuyết minh lồng tiếng khác nhau:
– Thuyết minh theo phong cách UN (UN-style voice-over): Trong trường hợp này, giọng nói gốc của nhân vật sẽ được mở với âm lượng thấp trong khi giọng thuyết minh sẽ có âm lượng to và rõ ràng hơn, thường bắt đầu từ 1-2 giây sau giọng nói gốc. Kiểu thuyết minh này là giải pháp hiệu quả cho các chương trình tin tức, phim tài liệu hoặc đoạn phim phỏng vấn quảng cáo.
– Lồng tiếng đè (“phrase-sync” voice-over): Giọng nói gốc sẽ bị tắt đi và giọng lồng tiếng được căn giờ sao cho khớp với thời gian bắt đầu và kết thúc của giọng nói gốc, nhưng không nhất thiết phải chính xác theo từng khung hình. Một số hiệu ứng âm than ban đầu, ví dụ như tiếng nhạc, có thể được ghép vào. Kiểu lồng tiếng này thường được sử dụng cho các đoạn phim hướng dẫn hay giới thiệu công ty.
– Lồng tiếng khớp miệng (“lip-synched dubbing”): Đối với kiểu lồng tiếng này, khán giả sẽ không nghe thấy giọng nói gốc mà chỉ có giọng lồng tiếng mà thôi. Bản ghi âm sẽ được căn giờ chính xác nhất để có thể khớp với hình ảnh và cử động môi của nhân vật. Những âm thanh trong môi trường xung quanh xuất hiện ở bản gốc cũng được giữ nguyên và người xem sẽ có cảm tưởng như thể chính những diễn viên xuất hiện trên màn hình đã thốt ra những lời nói đó. Kiểu lồng tiếng này thường được sử dụng cho phim ảnh.
Lợi ích khi dùng lồng tiếng
• Nếu thực hiện tốt, lồng tiếng sẽ giúp cho đoạn phim của bạn có vẻ chuyên nghiệp hơn với khán giả trên toàn cầu.
• Những đoạn phim gồm nhiều người nói khác nhau sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu có các diễn viên lồng tiếng khác nhau.
Hạn chế khi dùng lồng tiếng
• Lồng tiếng đòi hỏi công sức và chi phí cao hơn so với phụ đề.
• Tùy thuộc vào ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ đích, bản dịch có thể bị dài ra hoặc ngắn lại, buộc diễn viên lồng tiếng phải khéo léo xử lý bằng cách nói nhanh hơn hoặc để khoảng im lặng. Điều này làm ảnh hưởng đến việc đồng bộ hóa và căn thời gian.

Kết hợp sử dụng cả lồng tiếng và phụ đề

Trong một số trường hợp, việc kết hợp giữa lồng tiếng và phụ đề có thể là giải pháp tốt nhất. Người xem sẽ có thể kiểm soát việc họ có xem bản dịch trên màn hình hay tắt giọng lồng tiếng đi hay không. Nếu bạn có ý định thực hiện bằng phương pháp lồng tiếng, chi phí cho việc này cũng có thể không quá tốn kém hơn so với phụ đề bởi vì kịch bản đã được dịch sang ngôn ngữ đích.

Bài viết khác

Danh mục

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin

Luôn cập nhật các tin tức và ý kiến dịch thuật từ chuyên gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2022 - Hi5! Media