Bài Viết
Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tức Trang web của bạn cần có một cấu trúc cụ thể. Nếu không, nó sẽ chỉ là một tập hợp của các trang con và bài viết. Người dùng cần một cấu trúc để điều hướng, tức đi từ trang này sang trang khác một cách dễ dàng. Và Google sử dụng cấu trúc trang web của bạn để xác định xem đâu là những nội dung quan trọng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về mọi thứ mà bạn cần biết về cấu trúc trang web, từ đó giúp bạn (1) không phải vật lộn với việc thiết lập cấu trúc trang web và (2) biết được chiến thuật tốt nhất để liên kết các trang với nhau. Khi có được một cấu trúc trang web tốt, xếp hạng của bạn chắc chắn sẽ được cải thiện.
Vì sao cấu trúc trang web lại quan trọng?
Cấu trúc trang web của bạn rất quan trọng đối với khả năng sử dụng và khả năng tìm kiếm. Rất nhiều trang web thiếu một cấu trúc phù hợp để giúp người truy cập đến với sản phẩm mà họ đang tìm kiếm. Bên cạnh đó, việc có một cấu trúc trang web rõ ràng sẽ khiến Google hiểu được trang web của bạn tốt hơn, điều này rất quan trọng đối với SEO.
Quan trọng cho tính khả dụng
Cấu trúc trang web của bạn ảnh hưởng rất lớn đến Trải nghiệm Người dùng (UX) trên trang web. Nếu khách truy cập có thể tìm thấy các sản phẩm và thông tin mà họ đang tìm kiếm, cơ hội họ trở thành khách hàng của bạn sẽ tăng lên. Nói cách khác, bạn cần giúp họ điều hướng dễ dàng trong trang web của bạn. Một cấu trúc trang web tốt sẽ hỗ trợ bạn điều này.
Quan trọng cho SEO
Cấu trúc của một trang web hoặc một cửa hàng rất quan trọng đối với cơ hội đạt xếp hạng cao trong các công cụ tìm kiếm. Bởi nó sẽ giúp:
– Google “hiểu” trang web của bạn
Cách bạn cấu trúc trang web sẽ gợi ý cho Google biết về những trang chứa nội dung quan trọng. Cấu trúc trang web sẽ xác định liệu một công cụ tìm kiếm có thể hiểu về trang web của bạn cũng như sản phẩm mà bạn đang kinh doanh. Nó cũng xác định mức độ mà một công cụ tìm kiếm có thể tìm thấy và lập chỉ mục nội dung về một số sản phẩm nhất định. Do đó, một cấu trúc tốt sẽ dẫn đến một xếp hạng cao hơn trong Google.
– Tránh việc cạnh tranh với nội dung của chính bạn
Trên trang web, bạn có thể có các bài viết khá giống nhau, ví dụ như khi bạn viết rất nhiều bài về SEO, cụ thể về cấu trúc trang web (mỗi bài đề cập đến một khía cạnh khác nhau). Kết quả là, Google sẽ không biết được đâu là bài viết quan trọng nhất trong số đó. Như vậy, bạn đã tự tạo ra thế cạnh tranh giữa chính những trang của mình để đạt xếp hạng cao trong Google. Bạn cần để Google biết đâu là trang quan trọng nhất. Để làm việc này, bạn cần có một cấu trúc liên kết nội bộ và một cấu trúc phân loại tốt.
Giải quyết các thay đổi trên trang web của bạn dễ dàng
Các sản phẩm mà bạn kinh doanh trên cửa hàng có thể thay đổi theo thời gian. Và những nội dung mà bạn viết ra cũng vậy. Một đợt hàng mới sẽ được thêm vào khi đã bán hết đợt hàng cũ. Những thông tin đã bị lỗi thời cần phải biến mất. Bạn không muốn Google hiển thị ra những sản phẩm hoặc các bài viết không còn giá trị. Để giải quyết các thay đổi kiểu như vậy, không gì tốt hơn bằng việc có một cấu trúc rõ ràng.
Làm thế nào để thiết lập một cấu trúc trang web?
Để lập được một cấu trúc trang web phù hợp, trước hết chúng ta cần phải biết thế nào là một cấu trúc lý tưởng.
Cấu trúc trang web lý tưởng
Cấu trúc trang web của bạn cần phải giống như một kim tự tháp. Trên đỉnh của kim tự tháp là trang chủ, và ở dưới là các trang danh mục. Với những trang web lớn, bạn cần tạo thêm các trang tiểu mục hoặc phân loại tùy biến nằm dưới các trang danh mục. Trong các danh mục và tiểu mục này, bạn sẽ có các trang đăng sản phẩm hoặc bài viết.
Chia các trang con về các danh mục
Nếu bạn chưa phân loại các bài viết hoặc trang sản phẩm thành các danh mục khác nhau, hãy thực hiện việc đó ngay lập tức. Và nhớ bổ sung các danh mục này vào trình đơn chính trên trang web của bạn.
Các danh mục phải có độ lớn tương đương
Bạn cần đảm bảo độ lớn của các danh mục tương đương nhau. Nếu một danh mục quá lớn do bạn đăng nhiều bài viết về một chủ đề nào đó, bạn cần phải tách danh mục đó ra thành hai danh mục chính khác. Một quy tắc có thể áp dụng cho kích thước của một danh mục là danh mục đó không được lớn gấp đôi bất kỳ danh mục nào khác. Nếu bạn có một danh mục nào như vậy, hãy phân tách nó ra để nội dung trang web của bạn được phản ánh tốt hơn. Lưu ý rằng nếu tên của danh mục đó đã được phản ánh trong cấu trúc liên kết tĩnh (permalink) của trang web, bạn cần đảm bảo các URL được chuyển hướng chuẩn xác sau khi phân tách danh mục.
Cấu trúc liên kết nội bộ
Cấu trúc liên kết của bạn rất quan trọng. Mỗi trang trên đỉnh của kim tự tháp cần phải liên kết đến các trang con của nó. Và ngược lại, tất cả các trang con cần phải liên kết trở lại với các trang trên đỉnh. Cần phải có một nội dung cốt yếu (trong các bài viết nền tảng) ở các trang trên đỉnh, và các bài viết khác cũng đều phải liên kết tới nội dung cốt yếu này.
Vì khi bạn liên kết các trang có nội dung liên quan lại với nhau, bạn sẽ tăng khả năng được xếp hạng cao hơn. Việc liên kết như vậy sẽ giúp các công cụ tìm kiếm biết đâu là những thứ liên quan. Ngoài ra, khi tất cả các trang con cùng liên kết đến một trang chính trên đỉnh của kim tự tháp, các công cụ tìm kiếm sẽ dễ dàng xác định được trang chứa nội dung nền tảng của bạn.
Phân loại và tag
Việc thêm các tag (từ khóa) sẽ có lợi cho trang web của bạn. Tag và phân loại sẽ giúp tạo ra nhiều cấu trúc cho trang web của bạn hơn (hoặc không, ít nhất thì Google sẽ hiểu được trang web tốt hơn).
Trong WordPress, có hai cách thức tiêu chuẩn để phân loại nội dung: bạn có thể sử dụng danh mục như đã nói ở trên (tạo ra cấu trúc kim tự tháp) và các tag. Sự khác biệt giữa danh mục và tag nằm ở cấu trúc mà chúng tạo ra. Danh mục có tính thứ bậc, tức bạn có thể tạo thêm các tiểu mục, còn tag không có tính chất này. Bạn có thể liên tưởng danh mục giống như một mục lục, còn tag là chỉ mục.
Đừng tạo ra quá nhiều tag. Nếu mỗi bài viết bạn đăng lên đều được gắn một tag mới thì có nghĩa bạn đang không tạo thành một cấu trúc nào cả. Hãy đảm bảo mỗi tag đều được dùng từ hai lần trở lên. Các tag đó phải hỗ trợ việc nhóm các bài viết liên quan lại với nhau.
Trong một số theme của WordPress, các tag sẽ được hiển thị cùng với bài viết. Nhưng một số lại không. Bạn cần chắc chắn người truy cập có thể thấy được các tag ở một vị trí nào đó, nên ưu tiên ở phía cuối bài viết. Các tag sẽ giúp ích cho người truy cập trong việc tìm hiểu thêm về chủ đề của bài viết mà họ vừa đọc.
Nội dung nền tảng
Nội dung nền tảng là những nội dung tối quan trọng. Chúng sẽ phản ánh chính xác công việc kinh doanh hay nhiệm vụ của bạn. Như đã đề cập ở trên, các bài viết nền tảng cần nằm ở vị trí cao trong cấu trúc trang web của bạn và phải tập trung vào những từ khóa “đứng đầu” và có tính cạnh tranh nhất. Hãy suy nghĩ về 4 trang cụ thể mà bạn muốn mọi người đọc để biết về trang web hay công ty của bạn: những trang đó sẽ cần các bài viết nền tảng. Thông thường, trang chủ sẽ có đường dẫn đến tất cả các trang này.
Một trang web cần có tối thiểu từ một đến hai bài viết nền tảng và tối đa không quá 10 bài. Nếu bạn muốn viết nhiều hơn 10 bài nền tảng, có lẽ bạn cần phải lập thêm một trang web khác.
Các trang danh mục và tag cũng có thể là những trang nền tảng tuyệt vời. Nếu bạn muốn tùy chỉnh một trang danh mục thành một trang nền tảng, hãy bổ sung thêm một đoạn dẫn hay một đoạn giới thiệu thú vị. Bạn cần đảm bảo trang danh mục này cung cấp cho khách truy cập một cái nhìn tổng quan hấp dẫn và khiến họ muốn tìm hiểu thêm về trang web của bạn.
Lưu ý khi lập cấu trúc trang web
Cấu trúc động
Cấu trúc trang web của bạn nên là một cấu trúc động. Công việc kinh doanh của bạn có thể thay đổi theo thời gian và cấu trúc trang web cần phản ánh được sự thay đổi này. Nếu bạn không thường xuyên lưu tâm đến cấu trúc trang web, trang web của bạn rất dễ biến thành một tập hợp của các trang lộn xộn. Các trang bài viết và sản phẩm của bạn có thể không còn phù hợp với cấu trúc điều hướng cũ nữa, và trang web cũng có thể mất đi tính liên kết.
Chuyển hướng URL
Khi bạn phải xóa các trang chứa nội dung bị lỗi thời, một vấn đề sẽ nảy sinh. Đó là nếu trang bạn cần xóa lại là trang có những liên kết giá trị và bạn vẫn muốn có ích lợi từ những liên kết này. Giải pháp là hãy chuyển hướng URL. Hãy chuyển hướng URL cũ (301) sang trang sản phẩm thay thế hoặc một trang khác liên quan nếu không có sản phẩm thay thế. Trang liên quan này có thể là trang danh mục của loại sản phẩm cũ, hoặc là trang chủ, nếu không còn sự lựa chọn nào khác. Bằng cách này những trang bị xóa đi sẽ không ảnh hưởng tới cấu trúc của bạn.
Xem lại cách phân loại
Tạo ra một bản tổng quan về các danh mục, tiểu mục, sản phẩm và bài viết sẽ giúp bạn xem lại cách phân loại trang web của bạn. Liệu các danh mục và tiểu mục còn thể hiện được một cách tổng quan và hợp lý các sản phẩm của bạn? Nếu thấy một danh mục lớn hơn hẳn các danh mục còn lại, có thể do sản phẩm trong đó được bán nhiều hơn, hoặc bạn tập trung viết nhiều bài về nó hơn, hãy làm lại bước tách danh mục như đã nêu ở trên. Đối với những danh mục nhỏ và ít được chú ý đến, hãy gộp chúng lại. Đừng quyên chuyển hướng URL khi thực hiện các bước này!
Loại bỏ nội dung trùng lặp
Nhiều trang trên trang web của bạn có thể chứa nội dung trùng lặp. Với người đọc thì không sao, bởi họ vẫn có được thông tin mà họ muốn. Nhưng một công cụ tìm kiếm sẽ phải chọn ra một nội dung để hiển thị trên trang kết quả bởi không công cụ nào muốn đưa ra cùng lúc hai kết quả giống nhau.
Hơn nữa, khi các trang web khác liên kết tới sản phẩm của bạn, sẽ có trang liên kết đến URL thứ nhất, có trang lại liên kết đến URL thứ hai. Như vậy, các liên kết đến URL chứa từ khóa liên quan của bạn đã bị phân tán và xếp hạng của bạn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Kết luận
Qua bài viết này, các bạn đã biết được vì sao cấu trúc trang web lại quan trọng. Một cấu trúc tốt sẽ giúp ích cho cả người đọc lẫn Google trong việc điều hướng. Nó cũng giúp bạn dễ dàng thực hiện thay đổi trong tương lai và tránh việc tự cạnh tranh với chính nội dung của mình. Hy vọng các thông tin và mẹo đưa ra trong bài viết này có thể giúp bạn lập mới hoặc cải thiện một cấu trúc phù hợp để đạt xếp hạng cao và dễ dàng kiểm soát trang web của mình.
Trưởng Nguyễn
Bài viết khác
Danh mục
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin