Bài Viết
Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tứcBài viết này tôi sẽ đề giới thiệu về một số điều khoản thường gặp trong các hợp đồng dân sự. Có nghĩa chúng thường xuất hiện trong hợp đồng dưới dạng các điều khoản điển hình hay điều khoản bắt buộc mà về nội dung của chúng bất kết là loại hợp đồng nào cũng đều có sự tương đồng nhất định.
Điều khoản hợp đồng là quy định hoặc mục cụ thể trong một văn kiện hợp đồng. Mỗi điều khoản quy định về một khía cạnh cụ thể liên quan đến nội dung thỏa thuận, được đưa ra nhằm xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và đặc quyền của mỗi bên theo hợp đồng. Việc sử dụng các điều khoản hoàn toàn tùy thuộc vào nhu cầu của các bên, một số điều khoản được dùng thường xuyên hơn các điều khoản khác. Một số điều khoản được biết đến với tên gọi “Boilerplate clause” – là các điều khoản thường xuất hiện phía cuối hợp đồng như những điều khoản tiêu chuẩn trong một số loại hợp đồng kinh doanh, và thường không hoặc ít cần đàm phán thêm. Các bên cũng có thể đặt ra các điều khoản cụ thể riêng, miễn là tuân thủ luật pháp và các quy định áp dụng, nhằm phù hợp với nhu cầu của từng hợp đồng. Bài viết này sẽ trình bày về các điều khoản thường gặp nhất.
Choice of Law Clause – Điều khoản Lựa chọn Pháp luật: Tại điều khoản này, các bên sẽ thống nhất rằng các điều khoản sẽ chỉ được giải thích theo pháp luật của một quốc gia cụ thể. Ngoài ra, các bên cũng có thể thỏa thuận về một thẩm quyền tài phán cụ thể để giải quyết các vụ kiện tụng, nếu có.
Statute of Limitations Clause – Điều khoản Thời hiệu: Điều khoản này quy định khung thời gian để đệ đơn kiện sau khi phát hiện vi phạm hợp đồng hoặc các vi phạm khác.
Time of Performance Clause – Điều khoản Thời gian Thực hiện: Điều khoản này quy định khung thời gian khi mà các trách nhiệm theo hợp đồng có thể hoặc không được phép thực hiện. Một số hợp đồng tiếng anh có thể quy định rằng “time is of the essence”, điều này có nghĩa là một bên có thể khởi kiện bên còn lại vì vi phạm hợp đồng nếu các trách nhiệm không được bên đó thực hiện trong một khoảng thời gian hợp lý.
Entire Agreement Clause – Điều khoản Toàn bộ Thỏa thuận: Điều khoản này quy định rằng văn kiện hợp đồng hiện tại sẽ thay thế toàn bộ các thỏa thuận bằng lời hoặc bằng văn bản trước đây giữa các bên.
Indemnification Clause – Điều khoản Bồi thường Thiệt hại: Điều khoản này quy định về việc một bên sẽ bồi thường cho bên còn lại đối với những tổn thất hoặc chi phí phát sinh hoặc đảm bảo bên còn lại không phải chịu trách nhiệm. Cần rất thận trọng khi sử dụng bởi điều khoản này có thể hạn chế khả năng khôi phục thiệt hại của một bên.
Notice Clause – Điều khoản Thông báo: Quy định về cách thức một bên gửi thông báo cho bên còn lại (để chấm dứt hợp đồng, chẳng hạn).
Assignment Clause – Điều khoản Chuyển nhượng: Điều khoản này sẽ quy định về khả năng bán hoặc chuyển giao quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng cho một bên khác.
Force majeure Clause – Điều khoản Bất khả kháng: Điều khoản này quy định việc tạm đình chỉ việc thực hiện hợp đồng trong trường hợp xảy ra sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của các bên (chẳng hạn như động đất, núi lửa, sóng thần, ngập lụt v.v.).
Headings Clause – Điều khoản Đề mục: Điều khoản này thường sẽ khẳng định các đề mục được sử dụng trong toàn bộ hợp đồng chỉ nhằm mục đích thuận tiện, không có ý nghĩa đặc biệt và không ảnh hưởng đến nội dung chính của từng mục.
Attachment Clause – Điều khoản Tài liệu Đính kèm: Điều khoản này đảm bảo rằng tất cả các tài liệu đính kèm và phụ lục sẽ được coi là một phần của thỏa thuận.
Liquidated Damages Clause – Điều khoản Bồi thường thiệt hại Định trước: Điều khoản này cho phép bên bị vi phạm được yêu cầu các khoản tiền bồi thường thiệt hại trong trường hợp khó tính toán số tiền bồi thường thiệt hại trên thực tế.
Limitations on damages Clause – Điều khoản Giới hạn Bồi thường Thiệt hại: Điều khoản này quy định mức bồi thường thiệt hại cao nhất hoặc giới hạn các loại bồi thường thiệt hại liên quan đến một tranh chấp hợp đồng.
Confidentiality Clause – Điều khoản Bảo mật: Điều khoản này nhằm đảm bảo các bên sẽ không tiết lộ các thông tin nhất định.
Announcements Clause – Điều khoản Công bố: Điều khoản này quy định cách thức các bên công bố công khai nội dung của hợp đồng, chẳng hạn như các tuyên bố về hoạt động sáp nhập hoặc liên doanh sắp tới.
Counterparts Clause – Điều khoản Bản ký: Điều khoản này quy định các bên có quyền ký các bản của hợp đồng mà không cần tất cả cùng có mặt tại một nơi vào một thời điểm để cùng ký.
Non-Waiver Clause – Điều khoản không Khước từ: Điều khoản này quy định rằng mỗi bên không “khước từ” các quyền của mình khi chấp nhận việc không tuân thủ từ bên còn lại. Ví dụ như, giả sử một bên chỉ thanh toán hai tháng một lần trong khi hợp đồng yêu cầu bên đó thanh toán hàng tháng. Nếu bên bị vi phạm chấp nhận các khoản thanh toán nhưng không đệ đơn kiện, điều khoản này sẽ cho phép bên đó thu hồi các khoản thanh toán còn thiếu.
Severability Clause – Điều khoản Hiệu lực từng phần: Điều khoản này đảm bảo rằng khi một phần của hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu thì phần còn lại vẫn còn đầy đủ hiệu lực thi hành. Nếu không có điều khoản này, chỉ cần một quy định bị cho là mất hiệu lực, có thể toàn bộ hợp đồng sẽ bị tòa tuyên bố vô hiệu.
Arbitration Clause – Điều khoản Trọng tài: Điều khoản này quy định rằng bất kỳ tranh chấp nào nếu phát sinh sẽ được giải quyết thông qua phân xử trọng tài thay vì kiện tụng.
Attorney Fees Clause – Điều khoản Phí Luật sư: Điều khoản này quy định rằng bên thua kiện sẽ phải bồi hoàn cho bên còn lại các khoản phí luật sư (và đôi khi bao gồm cả lệ phí tòa án và các chi phí khác).
Việc thi hành một điều khoản cụ thể còn phụ thuộc phần lớn vào pháp luật ở mỗi khu vực. Nhìn chung, các bên có thể đưa ra bất kỳ điều khoản nào nếu thấy cần thiết, với điều hiện là đảm bảo tuân thủ pháp luật và các quy định hiện hành về hợp đồng.
Hương Trần
Bài viết khác
Danh mục
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin