Một số vấn đề cần lưu ý khi dịch tài liệu du lịch

Bài Viết

Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tức

Bài viết du lịch là một loại tài liệu phổ biến đối với nhiều người, được tạo ra nhằm giới thiệu đến người đọc các danh lam thắng cảnh trên thế giới thông qua việc truyền tải những thông tin liên quan, từ đó giúp người đọc hình dung và cảm nhận về điểm đến đang được nói tới. Mục đích sau cùng của các bài viết du lịch là thu hút sự quan tâm của bạn đọc, khơi dậy niềm hứng thú của họ và tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ nhằm thuyết phục họ đến thăm các địa điểm được mô tả để trực tiếp trải nghiệm những nét riêng về tự nhiên, văn hoá, lịch sử và phong tục nơi ấy. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, với sự lan tỏa rộng khắp của công nghệ Internet, các bài viết du lịch cần được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau để có thể dễ dàng đến với nhiều đối tượng độc giả. Tuy nhiên, công việc dịch thuật này cũng không hề đơn giản. Những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán vẫn luôn còn đó và đòi hỏi người dịch phải thật khéo léo, tinh tế trong quá trình xử lý. Bài viết này sẽ đề cập đến một vài điểm chính mà người dịch cần lưu ý để có thể hoàn thiện hơn phần nào sản phẩm dịch của mình.

Từ ngữ mang yếu tố văn hóa

Đây chắc hẳn không phải là một vấn đề xa lạ đối với những người trong giới dịch thuật, kể cả những ai không chuyên về mảng du lịch. Bất kỳ ngôn ngữ nào cũng ít nhiều bao gồm những từ ngữ mang đặc trưng văn hóa của dân tộc mình, điển hình là các quốc gia giàu truyền thống tại Châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, v.v. Khi gặp phải những từ này trong quá trình dịch tài liệu du lịch, mỗi người dịch có thể lựa chọn một cách dịch khác nhau. Họ có thể xử lý bằng cách dịch sao cho bản đích gần gũi với nền văn hóa của ngôn ngữ mục tiêu (“nội địa hóa”) hoặc để nguyên văn như trong bản gốc nhằm bảo toàn ý nghĩa và sắc thái của từ (“ngoại lai hóa”). Mỗi kỹ thuật này đều có cái lợi và hại riêng, vì vậy người dịch cần căn cứ vào điều kiện cụ thể như ngôn ngữ gốc, ngôn ngữ đích, đối tượng độc giả, mục đích bản dịch, v.v. để chọn ra phương án phù hợp.

Lấy ví dụ khi dịch tài liệu quảng bá du lịch cho các danh lam thắng cảnh ở Ấn Độ, bản gốc sử dụng rất nhiều từ ngữ mang đặc trưng văn hóa của quốc gia Nam Á này như ghat (bến tắm), chhatris (nhà nhỏ có mái vòm), gopuram (cổng vào dạng tháp), v.v. Một cách xử lý khá hiệu quả mà người dịch có thể áp dụng là giữ nguyên từ mang đặc trưng văn hóa như trong bản gốc đồng thời mở ngoặc thêm ý nghĩa của từ đó bằng ngôn ngữ đích. Việc này vừa giúp người đọc có một khái niệm chung về từ, và vừa tạo điều kiện cho họ tìm hiểu sâu hơn nếu muốn bằng cách tra cứu từ gốc.

Ngữ cảnh

Không chỉ riêng trong lĩnh vực dịch tài liệu du lịch mà trong tất cả các lĩnh vực khác ngữ cảnh đều đóng vai trò rất quan trọng. Việc hiểu đúng ngữ cảnh sẽ giúp tạo ra một bản dịch đúng và đảm bảo yếu tố thống nhất xuyên suốt toàn bộ văn bản.

Thứ nhất, người dịch cần nắm rõ ngữ cảnh để có thể dùng từ một cách thống nhất. Ví dụ trong một bài viết giới thiệu về một khu vườn, tác giả có thể sử dụng cả từ “garden” và “park” để chỉ khu vườn đó. Nếu không nắm bắt được ngữ cảnh từ đầu đến cuối và không hiểu ý đồ tác giả, người dịch có thể sẽ dịch từ “park” này thành “công viên” thay vì “khu vườn”, khiến cho sản phẩm có chút không thống nhất. Dù đây chỉ là lỗi nhỏ nhưng người dịch vẫn cần lưu ý tránh mắc phải để không gây hiểu lầm cho bạn đọc.

Thứ hai, hiểu đúng ngữ cảnh sẽ giúp người dịch chọn được nghĩa phù hợp cho từ. Ví dụ, “terrace” là một từ được sử dụng nhiều khi mô tả kiến trúc của các điểm đến ở phương Tây. Nếu người dịch không hiểu bài viết đang nói về chủ đề gì thì rất có thể họ sẽ chọn sai cách dịch cho từ này, vì “terrace” vốn có rất nhiều nghĩa như “sân thượng”, “sân hiên” và “dãy nhà”!

Thứ ba, ngữ cảnh sẽ giúp người dịch quyết định văn phong khi dịch. Nếu bản gốc mô tả một con phố hay trung tâm mua sắm, văn phong sử dụng chắc chắn sẽ phải lột tả được nét sinh động, vui tươi của cảnh trí nơi đó; còn nếu bài viết mô tả một di tích lịch sử hay đền chùa, người dịch cần sử dụng ngôn ngữ trang trọng để làm bật lên vẻ tôn nghiêm của điểm đến.

Diễn đạt

Một bài viết du lịch, đặc biệt khi viết bằng tiếng Anh, có thể rất cô đọng và dùng ít từ. Tuy nhiên, không phải lúc nào người dịch cũng phải gò bó tuyệt đối theo cấu trúc và từ ngữ của bản gốc, bởi việc bám sát từng câu từng chữ trong bản gốc sẽ có thể khiến cho bản dịch có vẻ máy móc hoặc không được thoát ý. Hơn nữa mục đích của việc dịch tài liệu du lịch là giúp cho độc giả cảm được cái đẹp của địa danh được nhắc tới và khơi dậy niềm hứng thú của họ, do đó người dịch cũng cần giải phóng trí tưởng tượng và cảm xúc của mình để có thể hiểu và diễn đạt từng câu chữ sao cho hiệu quả nhất. Ví dụ, trong tiếng Anh hay sử dụng cấu trúc mệnh lệnh khi đưa ra chỉ dẫn hay lời khuyên, chẳng hạn như câu “Walk to the site from the Colosseo metro station in about 10 minutes”. Nếu dịch sát theo bản gốc thì sẽ là “Đi bộ đến di tích từ ga tàu điện ngầm Colosseo trong khoảng 10 phút”. Có thể thấy bản dịch này nghe không được mềm mại và thân thiện bằng bản dịch sau “Từ ga tàu điện ngầm Colosseo, bạn chỉ cần đi bộ khoảng 10 phút là đến di tích”. Vì thế, hãy chú trọng cách diễn đạt sao cho tự nhiên và trôi chảy, kể cả phải phá vỡ cấu trúc ban đầu của bản gốc, thay vì chỉ một mực tuân theo bản gốc mà quên đi hiệu quả cần có của bản dịch.

Tóm lại, việc dịch tài liệu du lịch nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung đều đặt ra một số thách thức nhất định cho người dịch. Chỉ khi giải quyết được những thách thức ấy, người dịch mới có thể tạo ra được một bản dịch chất lượng và có giá trị sử dụng. Trong quá trình dịch các bài viết về du lịch, người dịch nên đặc biệt chú trọng đến cách xử lý một số vấn đề như từ ngữ mang đặc trưng văn hóa, cách diễn đạt và ngữ cảnh để sản phẩm của mình được hoàn thiện nhất.

Bài viết khác

Danh mục

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin

Luôn cập nhật các tin tức và ý kiến dịch thuật từ chuyên gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2022 - Hi5! Media