Bài Viết
Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tức
Cụm danh từ hay cụm danh ngữ – một cụm từ có một danh từ đóng vai trò là thành tố chính, được bổ nghĩa bởi các thành phần bổ nghĩa có thể đứng trước (gọi là pre-modifiers – tiền bổ ngữ) hoặc sau (gọi là post-modifiers – hậu bổ ngữ) danh từ, là đơn vị ngôn ngữ phổ biến và có thể được coi là loại cụm từ thường gặp nhất trong đời sống cũng như trong các văn bản, tài liệu. Bởi vậy, đối với một dịch thuật viên, việc nhận diện và xử lý chính xác các cụm danh từ là điều vô cùng cần thiết.
Cụm danh từ có thể đi từ đơn giản chẳng hạn như “a nice house” (một ngôi nhà đẹp), hay “the tall girl standing in the corner” (cô gái cao cao đứng ở trong góc) đến phức tạp, chẳng hạn như “that tall smiling girl in a long blue cotton dress standing near the entrance of the club” (cô gái cao cao đang cười mặc chiếc đầm cotton dài màu xanh đứng gần cửa ra vào club). Tuy nhiên, đỉnh cao của sự phức tạp đối với cụm danh từ không phải ở những cụm từ tương tự như ví dụ trên, mà nó nằm trong những văn bản, tài liệu khoa học, chuyên ngành hoặc báo chí, nơi mà sự cô đọng và xúc tích được đặt lên hàng đầu, nơi mà sự phức tạp không chỉ nằm ở số lượng bổ ngữ, mà còn ở cách mà người viết đặt các từ cạnh nhau, đôi khi không theo một quy tắc nào.
Các chuyên gia ngôn ngữ Anh nhận định rằng, khác với cụm danh từ có hậu bổ ngữ, cụm danh từ với tiền bổ ngữ chỉ gồm tính từ và các danh từ khác thường gây nhiều khó khăn cho người dịch. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua một số trường hợp sau đây.
Bắt đầu bằng một ví dụ về cụm danh từ chỉ gồm các danh từ, “blood urea nitrogen concentration”. Có hai quy tắc nhỏ có thể áp dụng cho những trường hợp này. Một là, với những cụm danh từ chỉ gồm các danh từ, thì danh từ chính là danh từ đứng cuối cùng. Hai là, việc dịch sẽ bắt đầu từ danh từ chính, và một cách tuần tự ngược về phía bên trái của danh từ chính. Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý, đó là, nếu như trong tiếng Anh, người viết chỉ cần ghép các chữ khác nhau lại với nhau theo quan hệ ngữ nghĩa sẽ được một cụm từ có nghĩa, thì trong tiếng Việt, đối khi chúng ta sẽ cần đến những giới từ để kết nối chẳng hạn như “của, trong, cho, v.v.”. Áp dụng 2 quy tắc và lưu ý trên, cộng thêm một chút tra cứu, người dịch có thể dễ dàng đưa ra phương án dịch phù hợp cho cụm từ này là “nồng độ ni-tơ ure trong máu”.
Trong một trường hợp khác, việc thiếu động từ và giới từ trong cụm danh từ dẫn đến thiếu những thông tin rõ ràng, và để xử lý cụm từ như vậy đòi hỏi nhiều kiến thức nền hơn từ người dịch, hoặc sự tra cứu kỹ lưỡng hơn. Chẳng hạn như ví dụ, “subject information sheet”. Cụm từ này có thể được hiểu theo ít nhất 2 cách, “information sheet for subject – phiếu thông tin dành cho đối tượng” tức là một loại phiếu để cung cấp thông tin cho đối tượng, hoặc “sheet of subject information – phiếu thông tin đối tượng” tức là một loại phiếu có chứa các thông tin của đối tượng. Một cụm từ tưởng chừng như đơn giản chỉ gồm 3 từ nhưng lại có thể có 2 cách diễn giải hoàn toàn khác nhau. Để quyết định phương án dịch chính xác, người dịch cần tra cứu cả cụm từ trong đúng ngữ cảnh của nó. Đặt trong bối cảnh của thử nghiệm lâm sàng, cụm từ trên sẽ được dịch là “phiếu cung cấp thông tin cho đối tượng”.
Xét một trường hợp khác, “121 consecutive adult cardiac allograft recipients”. Tiền bổ ngữ trong ví dụ này thậm chí còn gây nhiều khó khăn hơn trong việc hiểu và diễn giải do mối quan hệ ngữ nghĩa và cú pháp của các yếu tố khó xác định, cộng thêm tiền bổ ngữ tương đối dài. Để tiện cho việc diễn giải, chúng ta có thể sắp xếp lại thành “121 consecutive adult subjects receiving cardiac allograft”, từ đó cho ra bản dịch tiếng Việt là “121 đối tượng liên tiếp là người trưởng thành nhận ghép tim đồng loại”. Như vậy, việc chuyển một trong các tiền bổ ngữ thành hậu bổ ngữ cũng có thể giúp cho việc diễn giải một cụm từ trở nên dễ dàng hơn.
Trên đây là một số quy tắc giúp người dịch có cách tiếp cận và xử lý phù hợp đối với các cụm danh từ với tiền bổ ngữ chỉ gồm tính từ và các danh từ khác.
Trần Hương
Bài viết khác
Danh mục
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin