Liệu một Ngôn ngữ có thể có Bản quyền?

Bài Viết

Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tức

Gần đây, hãng phim Hollywood – Paramount Pictures đang cố gắng đòi quyền sở hữu của mình với tiếng Klingon để ngăn chặn việc ngôn ngữ này bị sử dụng trong một bộ phim lấy ý tưởng từ Star Trek.

Đây là một vụ kiện kỳ lạ – có lẽ còn kỳ lạ hơn bởi chính nguồn gốc hư cấu của ngôn ngữ đang được bàn tới. Nhưng đây không phải là lần duy nhất mà một ngôn ngữ được đòi quyền sở hữu hợp pháp. Một số vụ kiện điển hình gần đây đã đặt ra câu hỏi – liệu một ngôn ngữ có thể có bản quyền?

Xin bản quyền tiếng Klingon

Cuộc kiểm tra pháp lý gần đây nhất về vấn đề này đã diễn ra nhờ vào một dự án kinh doanh sáng tạo hình thành trên nền tảng gây quỹ quần chúng, bao gồm cả hai trang gọi vốn cộng đồng Indiegogo và Kickstarter. Dự án này đang nỗ lực gây quỹ và hỗ trợ cho một bộ phim mới trong loạt phim truyện và phim truyền hình nổi tiếng – Star Trek (tên tạm thời: ‘Axanar’).

Vấn đề duy nhất là dự án này đang được khởi chạy một cách độc lập với công ty sở hữu loạt phim gốc – Paramount Pictures. Một trong nhiều vấn đề mà phía Paramount khó chịu là ý định sử dụng tiếng Klingon như một phần câu chuyện của dự án phim Axanar.

Tiếng Klingon là ngôn ngữ hư cấu của một chủng tộc người ngoài hành tinh giả tưởng trong thế giới của Star Trek, ban đầu được hình thành bởi Gene Roddenberry và nay thuộc sở hữu của hãng phim Paramount. Hãng phim này đang đâm đơn khởi kiện Axanar Productions cùng nhà sản xuất, Alec Peters, nhằm đòi quyền lợi của mình đối với ngôn ngữ và các yếu tố sáng tạo khác vốn được tạo ra cho một trong những bộ phim Star Trek vào giữa thập niên 1980.

Ngay cả người đầu tiên hình thức hóa tiếng Klingon, nhà ngôn ngữ học Marc Okrand, cũng nghi ngờ về việc liệu Paramount có được coi là đơn vị sở hữu ngôn ngữ này. Mặc dù ông đã tạo ra cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Klingon, khi nói về việc ai sở hữu ngôn ngữ này, ông khẳng định: “theo tôi được biết, Klingon chưa bao giờ được xác định chính thức là của bất kỳ ai cả”. Luật sư riêng của Axanar lập luận thêm rằng chúng ta không thể giữ bản quyền những thứ “hữu ích” như quần áo hoặc một ngôn ngữ. Đáp lại lập luận này, Paramount phản bác rằng tiếng Klingon không phải là một thứ hữu ích vì người Klingon không hề tồn tại và do đó ngôn ngữ này không thể được sử dụng để giao tiếp với họ.

Bản quyền ngôn ngữ là một hiện tượng mới

Vấn đề về quyền sở hữu hợp pháp của ngôn ngữ dường như liên quan chủ yếu đến những ngôn ngữ được phát minh gần đây. Điều này bao gồm tiếng Elves của Tolkien, được phát minh từ khoảng năm 1910, và tiếng Klingon, được phát minh cho bộ phim Star Trek trong thập niên 1980.

Cũng có một vụ kiện pháp lý gần đây giữa hai đối trọng trong lập trình máy tính, Oracle và Google, nhằm xác định việc có thể giữ bản quyền một ngôn ngữ lập trình hay không (kết quả cho đến nay vẫn chưa thể kết luận). Oracle đã theo kiện Google về việc gã khổng lồ tìm kiếm sử dụng Java trên Android – hệ điều hành ảnh hưởng đến phân nửa số điện thoại thông minh đang được sử dụng trên toàn thế giới.

Có thể Java đã được tung ra cho cộng đồng mã nguồn mở, nhưng Oracle lập luận rằng một số cách mà Android sử dụng Java là đúng theo kiểu sao chép y nguyên. Là một phần của vụ kiện, các nhà chức trách đã yêu cầu cả hai bên chứng minh rằng một ngôn ngữ lập trình trong thực tế có thể được cấp bản quyền hợp pháp, và điều này vẫn chưa được xác định.

Điều mà Java giống với Klingon là cả hai ngôn ngữ ban đầu được tạo ra bởi các tập đoàn/tập thể cho một mục đích cụ thể chứ không phải có nguồn gốc từ lịch sử trải qua nhiều thế kỷ như một ngôn ngữ của con người tiêu chuẩn.

Có thể lập luận rằng nguồn gốc hướng đến lợi nhuận của những ngôn ngữ gây tranh cãi này là thứ khiến chúng có thể trở thành đối tượng của luật bản quyền. Để phát triển được bất ngôn ngữ chức năng nào cũng cần phải bỏ ra công sức lớn lao, và hệ thống pháp luật ủng hộ việc nỗ lực như vậy được đền đáp.

Quyền sở hữu tài sản trí tuệ là thứ thiết yếu của hệ thống pháp luật, vậy nên đó là lẽ tất yếu khi nhiều người mong muốn thấy vụ việc này được giải quyết. Nhưng với việc các ngôn ngữ không thể tránh khỏi sự thay đổi, phát triển và tự mình tồn tại thông qua sự đóng góp của những người khác (không ít trong số những người hâm mộ nhiệt tình của Star Trek là nhà ngôn ngữ học), sẽ rất khó để khẳng định quyền sở hữu một ngôn ngữ khi mà số lượng tác giả tích tụ theo thời gian.

Đó là cách chính mà các ngôn ngữ nhân tạo được xây dựng nên khác biệt với những ngôn ngữ của con người tự nhiên như tiếng Anh hay tiếng Trung. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực để tinh lọc mọi ngôn ngữ trên thế giới, phần lớn các tác giả đầu tiên đều đã qua đời từ rất lâu, và sẽ rất khó để một cá nhân đơn lẻ nào đó có thể đóng góp nỗ lực để tạo ra bất kỳ ngôn ngữ nào đang được sử dụng phổ biến. Ngay cả Marc Okrand, nhà ngôn ngữ học được Paramount thuê trong thập niên tám mươi để khai sinh ra một ngôn ngữ có vẻ sử dụng được – Klingon, cũng không khẳng định quyền sở hữu của mình.

Vụ kiện Paramount động chạm đến nhiều vấn đề bên cạnh việc Axanar sử dụng tiếng Klingon. Nó cũng đặt ra vấn đề với việc sử dụng các yếu tố sáng tạo khác của loạt phim gốc, chẳng hạn như các chủng tộc người ngoài hành tinh trong sáng tạo của Roddenberry xuất hiện lần đầu vào những năm 60 và 70, các yếu tố trực quan như đài chỉ huy tàu không gian và quần áo, và các tiện ích kỹ thuật như các thiết bị thông tin liên lạc được sử dụng trong bộ phim. Mối quan tâm chính của hãng Paramount có vẻ là việc sử dụng trái phép toàn bộ thương hiệu Star Trek của hãng để tạo ra một tác phẩm ăn theo.

Trong quá khứ, hãng đã cho phép, thậm chí khuyến khích, sản phẩm giả tưởng của những người hâm mộ (truyện ngắn và tiểu thuyết đặt trong thế giới Star Trek và sử dụng các nhân vật ở trong đó). Rõ ràng, Paramount chưa được chuẩn bị để thể hiện sự cho phép tương tự đối với phim điện ảnh giả tưởng của người hâm mộ như họ đã làm với các sản phẩm trên giấy. Ngoài ra còn có một dòng thu nhập đã được chứng minh liên quan đến dự án Axanar, gây quỹ được hơn nửa triệu đô la trên Kickstarter và số tiền tương tự trên Indiegogo.

Sản phẩm giả tưởng trên mạng của người hâm mộ thường là phi lợi nhuận và những người tạo ra chúng hiếm khi kiện cáo trừ khi có ai đó đang kiếm tiền từ những sáng tạo ban đầu của họ.

Điều này cũng đã xảy ra với tác phẩm của Tolkien, vốn không bận tâm tới việc kiện cáo ai sử dụng tiếng Elves được sinh ra từ tác phẩm của ông vì có quá ít bằng chứng chứng minh rằng có ai đó đang kiếm tiền từ ngôn ngữ này.

Với những vụ kiện gần đây này, có vẻ như chúng ta vẫn chưa tiến gần hơn tới việc giải quyết vấn đề liệu một ngôn ngữ có thể có bản quyền. Vụ kiện của Paramount đang giải quyết một loạt các vấn đề về việc ý tưởng sáng tạo của hãng bị sử dụng trái phép, và có nhiều thứ đang bị đe dọa, không chỉ là ngôn ngữ Klingon. Và việc xem được kết quả của trận chiến giữa Oracle và Google cũng sẽ rất thú vị. Điều có vẻ rõ ràng là quyền tác giả thường hay được đòi khi lợi ích về tiền bạc bị đe dọa, nhưng kết quả của vụ kiện này có thể có hậu quả sâu rộng vượt ra ngoài ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình.

(Nguồn: Tham khảo)

Bài viết khác

Danh mục

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin

Luôn cập nhật các tin tức và ý kiến dịch thuật từ chuyên gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2022 - Hi5! Media