7 Lỗi Thường gặp khi Bản địa hóa Trò chơi

Bài Viết

Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tức

Các nhà phát triển trò chơi thường gặp phải những rào cản lớn khi mở rộng ra quốc tế. Trong bài viết này, chúng ta sẽ bàn về 7 lỗi thường gặp – và nghiêm trọng nhất mà các nhà phát triển mắc phải trong quá trình bản địa hóa trò chơi, cũng như cách để tránh vướng phải các cạm bẫy này.

(1) Viết mã cứng (hard-coding) vào trong mã nguồn

Để tiết kiệm thời gian, một số nhà phát triển trò chơi viết mã cứng vào mã nguồn trong game của họ. Ví dụ:

7-errors-in-game-localization_h1

Trong ví dụ này, lệnh tấn công “A player attacks an enemy” (Một người chơi tấn công đối thủ) được nhúng vào trường logic của mã nguồn. Dòng mã cứng này là một shortcut, và giống như nhiều shortcut khác, bạn sẽ phải trả giá cho chúng sau này.

Trong trường hợp tất cả các câu lệnh đều được nhúng trong đoạn mã, bạn sẽ phải quay lại và dò tìm từng câu một mỗi khi bạn muốn thay thế hay cập nhật một bản dịch. Điều này sẽ cản trở nỗ lực dịch của bạn và khiến nó trở nên khó thực hiện hơn.

Cách khắc phục

Hãy chắc chắn tuân thủ theo các chuẩn mực wrap chuỗi (string wrapping) tốt nhất phù hợp với các chuẩn mực quốc tế hóa. Đồng thời, khi bạn đang trích xuất câu lệnh từ mã nguồn, hãy làm một cách triệt để, và cho chúng vào thành một tệp tin nguồn. (Một tệp tin nguồn bao gồm dữ liệu cặp khóa/giá trị). Lưu một tệp tin nguồn cho từng ngôn ngữ trong trò chơi của bạn. Theo cách này, việc quản lý tất cả các bản dịch của bạn sẽ dễ dàng hơn.

Trong ví dụ nêu trên, cách tốt hơn để wrap các chuỗi sẽ là như sau:

7-errors-in-game-localization_h2

Cung cấp thông tin ngữ cảnh không đầy đủ cho người dịch

Rất nhiều nhà phát triển trò chơi không coi trọng việc bản địa hóa. Họ chỉ gửi cho người dịch những bảng tính (spreadsheet) khổng lồ đầy chữ mà không kèm theo bất kỳ hình ảnh hay thông tin về ngữ cảnh nào.

Ngữ cảnh vô cùng quan trọng đối với chất lượng bản dịch, và khi không có được cảm giác nên sử dụng từ ngữ như thế nào trong ngữ cảnh, người dịch có thể tạo ra những lỗi nghiêm trọng.

Ví dụ, trong khi dịch game Modern Warfare 2 từ tiếng Anh sang tiếng Nhật, những người dịch đã vô tình chuyển dòng “Remember, no Russians” (tạm dịch: Hãy nhớ, cấm cửa người Nga) thành “Kill them, they are Russians” (Giết chúng, chúng là người Nga). Khi có ngữ cảnh rõ ràng hơn, những người dịch tiếng Nhật sẽ hiểu được rằng Người Nga không phải là đối tượng trong phần trò chơi này. Thay vào đó, họ đã dịch sai. Các game thủ Nhật bị bối rối và bắt đầu bắn nhầm mục tiêu, và họ đã không hài lòng.

Cách khắc phục

Bạn cần có một ai đó trong nhóm chịu trách nhiệm bản địa hóa, ví dụ như một nhà quản lý dự án bản địa hóa. Người này sẽ trả lời các câu hỏi của người dịch và chuẩn bị các thông tin về ngữ cảnh cho người dịch (Gợi ý: nếu nhóm bạn nhỏ và không thể chi trả cho một người đảm nhiệm giám sát quá trình bản địa hóa, hãy tận dụng script writer (người viết kịch bản) của bạn vào dự án).

Nếu bạn cung cấp được thông tin về ngữ cảnh tốt cho người dịch, bạn sẽ có thể nhận được một bản dịch chất lượng hơn. Các thông này bao gồm:

– Bảng thuật ngữ dịch (glossary)

– Hướng dẫn về văn phong

– Hình ảnh trực quan hữu ích, ví dụ như ảnh chụp màn hình

– Nội dung chi tiết về phụ đề hội thoại

– Tiểu sử của các nhân vật chính

Tuyển dụng sai người dịch game

Các trò chơi đều mang nội dung độc đáo. Và các dòng game khác nhau có những thử thách dịch thuật rất khác biệt.

Từ ngữ theo hướng cần Tra cứu

Rất nhiều game có tiếng lóng, bao gồm các từ lóng chuyên biệt trong game, giốn từ “gank” trong Liên minh Huyền thoại hay như các thuật ngữ về thể thao trong game FIFA– những từ mà đòi hỏi người dịch mất nhiều công sức để tra cứu. Chúng ta gọi đó là từ ngữ theo hướng cần tra cứu.

Từ ngữ theo hướng cần Sáng tạo

Ở các game khác, ví dụ như QuizUp hay Candy Crush, đưa ra rất nhiều khái niệm mới trong game, vì vậy mà ở một mức độ nào đó, người dịch cũng đồng thời là nhà sáng tạo nội dung. Chúng ta gọi đó là từ ngữ theo hướng cần sáng tạo.

Về cơ bản, những người dịch thông thường thường không đáp ứng được công việc này. Lựa chọn sai người dịch sẽ khiến bạn nhận phải một sản phẩm game bản địa hóa chậm trễ, đắt đỏ, và không hài lòng.

Cách khắc phục

Bạn cần những người dịch là những người nói tiếng bản địa và cũng là một game thủ thực sự – và, tốt nhất là, quen thuộc với thể loại game của bạn.

Hãy bắt đầu bằng việc suy nghĩ chi tiết về nội dung game. Xem nội dung đó có từ ngữ theo hướng cần tra cứu nhiều hơn hay theo hướng cần sáng tạo nhiều hơn? Sau đó kiểm tra lại hồ sơ của người dịch game. Những game nào mà người đó đã hỗ trợ bản địa hóa trước đây? Những thể loại game nào mà người đó đã từng chơi? Liệu người đó có kinh nghiệm tra cứu? Hay có kinh nghiệm sáng tạo nội dung?

Không thể kiểm tra bản dịch trên thiết bị thực tế

Một số nhà phát triển không chạy thử những game đã được bản địa hóa của họ – điều này có thể dẫn đến một trò chơi mang đủ các loại lỗi về đồ họa và UI (User Interface – Giao diện người dùng).

Vấn đề là các câu lệnh được dịch ra thường không phù hợp với các thành phần của đồ họa và UI. Sau cùng, các bản dịch thường làm thay đổi độ dài của câu. Ví dụ, một câu sẽ dài hơn nhiều sau khi được dịch sang tiếng Đức (thường chiếm nhiều hơn 50% khoảng trống so với tiếng Anh) và ngắn hơn khi được dịch sang tiếng Trung (sử dụng ký tự thu gọn).

Đồng thời, trong phiên bản cuối cùng, một số câu lệnh còn có thể bị mất đi do việc viết mã cứng.

Cách khắc phục

Hãy chạy thử bản dịch trên một thiết bị thực tế! Có một cách là thử nghiệm bản địa hóa giả (pseudolocalization), ở cách này, bạn sẽ thay thế các yếu tố liên quan đến nguyên bản của một ứng dụng (bằng phiên bản thay thế, những chưa phải là bản dịch). Một cách thức đơn giản hơn và tiết kiệm chi phí hơn là thử nghiệm bản địa hóa trên thiết bị, nó đi kèm lợi ích là cho phép bạn đánh giá tổng quan về bản địa hóa game, không chỉ về những trục trặc hiện có.

Bạn cũng có thể thiết lập khoảng cách văn bản tự động điều chỉnh (autofit) với chữ để tránh các lỗi UI thường gặp.

Chưa chú ý đúng mức đến vấn đề chuyển đổi văn hóa

Thế giới này rất đa dạng. Các game thủ ở các vùng khác nhau có các sở thích về game khác nhau. Sự phân bổ và các quy định về nội dung thay đổi tùy từng quốc gia. Và mỗi một thị trường game di động có một hệ sinh thái riêng biệt.

Nếu bạn không có sự chuẩn bị, một số đặc điểm nhất định trong thị trường mới có thể khiến cho bạn phải bất ngờ (ví dụ: các giao dịch mua hàng trong ứng dụng (in-app purchases) bị cấm trên Google Play ở Trung Quốc). Nội dung game của bạn có thể không phù hợp đối với một thị trường cụ thể. Nó có thể cần phải được chỉnh sửa. Ví dụ, khi phiên bản ban đầu của game PC Age of Empires (thường gọi là Đế chế) đến Hàn Quốc, đoạn mô tả trong trò chơi về lịch sử quân đội Nhật Bản xâm chiếm bán đảo Triều Tiên đã gây bức xúc cho các nhà lãnh đạo chính phủ. Cuối cùng, Age of Empires đã phải tạo ra một bản vá (patch) có thể tải về để thay đổi nội dung mô tả theo hướng làm dịu các nhà chức trách.

Cách khắc phục

Bạn sẽ không muốn bị bất ngờ bởi sự khác biệt về văn hóa. May mắn là, bạn đang có một nhóm người dân bản xứ am hiểu về game sẵn sàng trợ giúp: những người dịch của bạn. Hãy nhờ họ nhận xét trước về nội dung game của bạn.

Quản lý yếu kém nội dung bản dịch

Các nhà phát triển game có rất nhiều loại nội dung khác nhau: nội dung hướng dẫn sử dụng, mô tả khi đóng gói hoặc đưa lên cửa hàng ứng dụng, nội dung tiếp thị, nội dung giao diện trong game, và phụ đề hội thoại.

Đôi khi các nhà phát triển game yếu kém trong việc tổ chức các định dạng và tệp tin khác nhau. Kết quả là, dễ xuất hiện lỗi dịch qua các kiểu nội dung khác nhau, hay có các bản dịch trùng lặp cho cùng một đoạn nội dung – dẫn đến làm chậm quá trình dịch và tăng chi phí.

Cách khắc phục

Hãy chắc chắn tập trung hóa công việc quản lý các bản dịch. Lý tưởng nhất là sử dụng một Hệ thống Quản lý Bản dịch, nó sẽ giúp bạn tổ chức và quản lý các bản dịch và đưa chúng phù hợp cho mục đích sử dụng mới.

Coi bản địa hóa là bước sau cùng

Rất nhiều nhà phát triển game nghĩ đến việc bản địa hóa là một điều gì đó xuất hiện sau trong chu trình phát triển. Đối với họ, nó giống như kiểu một bước bổ sung để thực hiện cuối cùng.

Tuy nhiên, thực sự thì không hề khôn ngoan chút nào khi coi việc bản địa hóa như một bước sau cùng. Khi làm như vậy, bạn sẽ đánh mất cơ hội lớn ở các thị trường nước ngoài. Bạn có nguy cơ bị choáng ngợp bởi các bản sao ở thị trường bản địa, và sẽ không còn nơi nào để đi. Sau đó, nếu bạn quyết định bản địa hóa, công việc sẽ tốn nhiều chi phí hơn khi mà bạn phải viết lại mã nguồn và xây dựng nên nguyên liệu cho bản dịch từ mớ hỗn tạp.

Cách khắc phục

Hãy nghĩ về việc bản địa hóa ngay từ lúc bắt đầu. Wrap các chuỗi ngay từ giai đoạn đầu phát triển game để chúng sẵn sàng cho công việc bản địa hóa sau này. Nếu bạn không làm điều đó, tối thiểu hãy cố gắng chỉnh sửa cách viết mã của bạn phù hợp với chuẩn mực quốc tế hóa.

Hầu hết các game thủ trên thế giới đều ở nước ngoài. Và thị trường đó chỉ có phát triển. Sẵn sàng với bản địa hóa và bạn sẽ sẵn sàng với việc chinh phục thế giới.

(Nguồn: Tham khảo)

Bài viết khác

Danh mục

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin

Luôn cập nhật các tin tức và ý kiến dịch thuật từ chuyên gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2022 - Hi5! Media