Bài Viết
Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tức
Bất cứ ai làm bất cứ nghề nào cũng đều phải nắm trong tay một bộ kỹ năng đặc thù. Việc xác định được đâu là những kỹ năng thiết yếu trong công việc là yếu tố quyết định đến sự phát triển của bản thân người làm. Tập hợp và tinh thông nhóm kỹ năng cần thiết này sẽ giúp người làm cảm thấy dễ dàng hơn trong công việc, đạt được hiệu suất cao hơn cũng như chất lượng tốt hơn. Người làm sẽ không thấy bản thân phải loay hoay để tìm cách thực hiện nhiệm vụ của mình, mà thay vào đó là sự trơn tru và nhanh chóng. Sau đây, hãy cùng điểm qua nhóm 6 kỹ năng tối căn bản dành cho biên dịch viên.
1. Kỹ năng thao tác máy tính
Để biến máy tính thành một công cụ đắc lực hỗ trợ cho công việc của mình, biên dịch viên cần phải thành thạo 2 thứ: kỹ năng đánh máy và kỹ năng xử lý văn bản.
Typing
Có thể nói, đánh máy (typing) là một trong những yếu tố quyết định phần lớn đến tốc độ làm việc của người dịch. Giả sử, với cùng một tài liệu về chủ đề đã quen, người dịch có tốc độ đánh máy khoảng 100 từ một phút (wpm) chắc chắn sẽ dịch nhanh gấp rưỡi đồng nghiệp với tốc độ đánh máy chỉ khoảng 65 wpm. Điều này đồng nghĩa với việc, khối lượng công việc làm được trong cùng một buổi sẽ nhiều hơn.
Xử lý văn bản
Hiện nay có ba loại định dạng tài liệu phổ biến là Microsoft word (.doc/.docx), Microsoft excel (.xls/.xlsx) và PDF (Portable Document Format). Mỗi định dạng đều cần người dịch có cách xử lý riêng. Tham khảo bảng liệt kê các hạng mục cần xử lý dưới đây:
Word | – Định dạng Bảng – Căn chỉnh khổ giấy, lề, dãn dòng – Làm header, footer, footnote – Làm Mục lục (Table of Content) – Chèn textbox – Đặt Page border – Chèn ký tự đặc biệt – Xử lý đồ thị/ảnh cần dịch |
Excel | – Thêm/xóa/giấu các hàng/cột – Chỉnh định dạng dữ liệu phù hợp – Wrap text – Sử dụng các hàm (function) cơ bản |
– Chuyển thành file word có thể copy text – Thêm/trích/xóa trang – Tách/ghép tài liệu – Chèn textbox |
Chúng đều không phải là các kỹ năng quá cao siêu, nhưng nếu không thành thạo, các dịch giả có thể tốn thêm thời gian vô bổ để loay hoay tìm cách giải quyết.
2. Kỹ năng tra cứu
Không phải người dịch nào cũng là một “từ điển sống” để có thể biết hết nghĩa các từ cần dịch cũng như hàm nghĩa chính xác của mỗi thuật ngữ. Người dịch không được đào tạo sẵn để thành một chuyên gia, trong khi việc dịch lại bao gồm rất nhiều các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau, từ pháp luật, y tế, xây dựng, cho đến thời trang và du lịch. Vì vậy, việc tra cứu những khái niệm, thuật từ mới sao cho chính xác và hiệu quả là một kỹ năng không thể thiếu đối với người dịch.
Tra cứu từ phổ thông
Số lượng thông tin có sẵn trên mạng là đồ sộ, người dịch rất dễ rơi vào trường hợp phải lựa chọn cách dịch giữa nhiều phương án khác nhau. Với nhiều người, đây sẽ là sự lựa chọn mang tính chất hên xui.
Tra cứu từ khó
Cũng có trường hợp, một số từ hay thuật ngữ không thể tra được cách dịch tương ứng. Lúc đó, người dịch cần phải tìm hiểu nghĩa nội hàm chính xác của chúng ở ngôn ngữ nguồn và có thể áp dụng phương pháp dịch diễn giải. Tuy nhiên, cách tốt nhất là tham khảo ý kiến của một chuyên gia về lĩnh vực đó nếu có.
Tra cứu từ viết tắt
Đặc biệt khi có các từ viết tắt không thể tìm thấy trên mạng, như chữ viết tắt bằng tay của các chuyên gia hay kỹ sư, lúc này người dịch cần thiết phải đề nghị sự diễn giải trực tiếp khách hàng. Đừng quên, khách hàng cũng là một kênh để tra cứu.
3. Kỹ năng ngôn ngữ
Kỹ năng ngôn ngữ ở đây không chỉ đơn thuần là trình độ ở ngôn ngữ nguồn (ví dụ trình độ tiếng Anh, tiếng Nga, v.v.) mà còn cả trình độ ở ngôn ngữ đích. Trong đó bao gồm cả vốn từ, khả năng sử dụng từ ngữ và vận dụng văn phong phù hợp với từng chuyên ngành.
Vốn từ
Nhiều người dịch mới vào nghề, chủ quan, hoặc những người không làm trong ngành dịch đều nghĩ rằng, chỉ cần có ngoại ngữ tốt là có thể dịch tốt. Đây không phải là hai vế tương đương với nhau. Bởi dịch là sự chuyển ngữ từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, để dịch được tốt, nhất thiết phải có trình độ ở cả hai ngôn ngữ đó tốt. Mà trình độ ngôn ngữ bản địa được quyết định phần lớn bằng việc có một vốn từ sâu rộng. Dấu hiệu của việc thiếu vốn từ là thường xuyên gặp phải cảnh hiểu được, thậm chí là rất rõ, nghĩa của câu ngôn ngữ nguồn, nhưng không thể diễn đạt được sang ngôn ngữ đích, điều mà mọi người hay gọi là “bí từ”.
Văn phong
Những lĩnh vực khác nhau có những lối hành văn riêng biệt, đòi hỏi người dịch phải am hiểu và áp dụng chuẩn xác trong bản dịch. Từ ngữ ở những văn bản quy phạm pháp luật thường mang tính rõ ràng, đơn nghĩa và cứng nhắc. Trái lại, từ ngữ để quảng bá du lịch lại mềm mại, giàu hình tượng và có tính lôi cuốn người đọc. Nếu không hiểu biết hoặc không để ý, người dịch rất dễ rơi vào trường hợp “râu ông nọ cắm cằm bà kia” trong dịch thuật, đó là việc áp dụng văn phong không phù hợp.
4. Kỹ năng tiếp cận
Với 3 kỹ năng ngôn ngữ, tra cứu và thao tác máy tính, bạn có thể tự tin dịch bất kỳ tài liệu nào. Nhưng để dịch một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, bạn cần phải có tư duy tiếp cận công việc.
Hướng làm
Ứng với mỗi loại tài liệu đều có hướng xử lý riêng. Tài liệu có nhiều bảng số liệu xen lẫn phần chữ (như báo cáo tài chính) thì cần tách chữ để dịch trước, còn bảng để format riêng. Tài liệu có lẫn ảnh minh họa, đồ thị, biểu đồ, bản đồ thì cần làm theo hướng cân đối thời gian dịch nội dung chính và xử lý hình ảnh. Hay với tài liệu chuyên ngành chỉ bao gồm toàn chữ, thì có thể theo hướng đọc qua để lập bảng thuật ngữ, rồi mới bắt tay vào dịch.
Hướng chia nhóm và phân việc
Đối với một nhóm dịch, sau khi đã xác định được hướng thực hiện, cần làm tiếp bước chia nhóm và phân việc. Như ví dụ trên, một tài liệu có cả chữ lần hình, nếu tất cả cùng tập trung dịch chữ ngay từ đầu, còn lại phần ảnh chỉ có một hai người có khả năng xử lý. Khi đó, những người khác sẽ phải mất thêm thời gian để đợi xử lý ảnh, trong khi hoàn toàn có thể chia nhóm làm từ đầu, để các mục công việc được thực hiện đồng thời và “đúng người đúng việc”. Có như vậy, hiệu suất công việc mới đạt được tối đa.
5. Kỹ năng lập chiến lược
Song song với kỹ năng tiếp cận là kỹ năng lập chiến lược trong công việc. Ở kỹ năng này, người dịch cần xác định rõ ràng được cho mình trình tự triển khai và ước tính thời gian hoàn thành cho mỗi mục công việc.
Trình tự triển khai
Khi đã định hình trong đầu hướng làm, người dịch cần vạch rõ các bước làm và thứ tự thực hiện. Theo một quy trình dịch chuẩn thông thường, có các bước format, đọc qua, lập bảng thuật ngữ, dịch, đọc soát, hiệu đính. Tùy vào tính chất của tài liệu mà có thể phân ra các bước làm lần lượt hay làm đồng thời.
Ước tính thời gian hoàn thành
Dựa vào độ khó của tài liệu, mức độ từ trùng lặp trong nội bộ văn bản hay trong bộ nhớ dịch (TM) và tốc độ dịch ước tính của bản thân, người dịch cần ước lượng được thời gian hoàn thành bản dịch. Lúc này sẽ có ba trường hợp. Thứ nhất, deadline (hạn hoàn thành công việc) của khách hàng bằng hoặc nhiều hơn thời gian hoàn thành ước tính, người dịch đơn giản chỉ cần tập trung bắt tay vào làm. Thứ hai, deadline ít hơn thời gian hoàn thành ước tính, khi đó người dịch cần phải xem xét liệu có thể cắt giảm công việc ở những bước nào, cần phải làm thêm giờ, hay gọi thêm người hỗ trợ hay không. Thứ ba, khách hàng không giao deadline. Trường hợp này, dù có sự thoải mái hơn nhưng người dịch vẫn phải tự đặt ra deadline cho mình. Như thế sẽ tránh tạo ra sự trì trệ đáng kể mà có thể ảnh hưởng đến các công việc khác trong tương lai. Mỗi người dịch cần nhớ, không có công việc nào là vô thời hạn.
6. Kỹ năng làm việc nhóm
Bất kỳ dự án nào cũng đều cần có một nhóm dịch, ngoại trừ các freelancer làm việc độc lập. Cá nhân mỗi biên dịch viên đều có hướng sử dụng từ ngữ khác nhau, dễ dẫn đến việc một bản dịch có nhiều giọng dịch khác nhau, hay cùng một thuật ngữ lại có ba đến bốn cách dịch. Để đạt được một bản dịch chuyên nghiệp cũng như giảm bớt công việc cho khâu hiệu đính và kiểm soát chất lượng, mỗi người dịch cần thiết phải có kỹ năng làm việc nhóm.
Tối ưu thời gian làm việc
Bằng việc tăng cường trao đổi thông tin và có sự giao tiếp hiệu quả khi thực hiện dự án, mỗi thành viên trong nhóm dịch sẽ tự tránh được cho mình khả năng làm trùng việc của người khác. Ví dụ như hai người cùng tra một thuật từ, hay tệ nhất là cùng dịch một đoạn giống nhau.
Tăng hiệu suất cá nhân
Biết làm việc nhóm, tức người dịch sẽ biết hướng đến mục tiêu chung và đặt cái tôi của mình dưới hoạt động chung của nhóm. Ở nhiều trường hợp, khi bị phát hiện lỗi dịch thuật ngữ chưa phù hợp, sẽ có thành viên bắt đầu đi tra cứu và cố gắng viện ra các lý do để biện hộ cách dịch của mình là đúng. Kèm theo đó có thể là sự bực dọc với suy nghĩ mọi người không chịu nghe theo mình. Với tâm lý tiêu cực và việc tốn thời gian tra cứu như vậy, hiệu suất làm việc của thành viên đó chắc chắn sẽ giảm sút. Câu chuyện sẽ hoàn toàn khác nếu thành viên đó áp dụng tốt kỹ năng làm việc nhóm, bằng việc biết lắng nghe và tham khảo ý kiến của mọi người.
Bài viết khác
Danh mục
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin