Người đọc soát: Tốt và Không tốt

Bài Viết

Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tức
Thông thường một bản dịch cần phải được kiểm tra để đảm bảo chất lượng tốt. Người đảm nhận việc kiểm tra bản dịch của người khác có thể được gọi là người hiệu đính, biên tập viên, người đọc soát hay chỉ đơn giản là người kiểm tra. Trong bài viết này, thuật ngữ “người đọc soát” được sử dụng với ý nghĩa là người được công ty dịch thuật thuê để kiểm tra bản dịch bằng cách đối chiếu với bản gốc nhằm đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, phù hợp về ngôn ngữ, văn phong, ngữ pháp và chính tả, mặc dù tôi biết một số chuyên gia trong lĩnh vực của chúng ta có thể cho rằng một người đọc soát chỉ có nhiệm vụ kiểm tra chính tả, ngữ pháp và văn phong của văn bản đích trong khi biên tập viên mới là người chịu trách nhiệm nhiều hơn.
Trong sự nghiệp làm phiên dịch tự do của mình, đã có nhiều trường hợp bản dịch của tôi được những người đọc soát chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm kiểm tra, và tôi luôn biết ơn họ vì đã giúp đỡ rất nhiều trong việc nâng cao chất lượng bản dịch. Tuy nhiên, giống như bất kỳ dịch giả uy tín nào khác, tôi nhận ra rằng trong các trường hợp khác, bản dịch của tôi lại được sửa chữa bởi những người đọc soát không tốt và thiếu công bằng. Những người đọc soát kiểu này thường làm lãng phí thời gian của nhà quản lý dự án, người dịch và thậm chí là của chính họ. Ngoài ra, vô hình chung họ còn gây ra cảm giác khó chịu cho cả người dịch lẫn quản lý dự án. Trong phần tiếp theo, tôi xin được thảo luận ý kiến của mình về những gì mà một người đọc soát tốt thường làm và có đối sánh với người đọc soát không tốt.

Thái độ và vai trò

Một người đọc soát tốt luôn có thái độ hợp tác với dịch giả của bản dịch mà người đó đang xử lý. Anh ta hiểu rằng mục đích của việc kiểm tra là để nâng cao chất lượng bản dịch, và do đó vai trò của một người đọc soát cũng giống như một đồng nghiệp có liên quan, có thể giúp xác định những điểm yếu của người dịch và các lỗi sai mà người dịch có thể mắc phải. Ngược lại, những người đọc soát không tốt có xu hướng giữ một thái độ kẻ cả. Nhiều người đọc soát thiếu kinh nghiệm thường tự cho mình là “bề trên” trong quá trình soát lỗi. Họ nghiễm nhiên cho rằng mình có nhiều kinh nghiệm hơn người dịch và được quyền chỉ trích bản dịch hay đánh giá thấp biên dịch viên. Trên thực tế, đúng là một số người đọc soát có nhiều kinh nghiệm hơn biên dịch viên, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Nhiều công ty dịch thuật thường tiến hành bình duyệt, nghĩa là người được thuê để xem lại hoặc chỉnh sửa một bản dịch không nhất thiết phải có kinh nghiệm hoặc chuyên môn tốt hơn so với biên dịch viên.

Cách thức chỉnh sửa

Công việc của một người đọc soát là chỉnh sửa bản dịch, nhưng người đọc soát tốt và người đọc soát không tốt có những cách thức làm việc khác nhau. Ngoại trừ các lỗi về chính tả hay lỗi đánh máy cần được sửa ngay, một người đọc soát tốt sẽ không vội chỉnh sửa bất cứ điều gì cho đến khi anh ta chắc chắn rằng sự điều chỉnh này sẽ phục vụ cho một mục đích nào đó, chẳng hạn như giúp làm rõ nghĩa, làm cho phù hợp với văn phong hoặc thuật ngữ mà khách hàng ưu tiên, tránh hiểu lầm hoặc tăng tính tự nhiên của văn bản. Một người đọc soát không tốt thường vội vàng thay đổi ngay những điểm mà anh ta nghĩ là không phù hợp với phong cách của mình. Nhiều người đọc soát không tốt thậm chí còn có xu hướng viết lại tất cả mọi thứ theo cách của họ, họ cho rằng càng thay đổi nhiều thì họ càng có thể phô diễn khả năng của mình, ít nhất là trước mắt nhà quản lý dự án. Trong khi một người đọc soát tốt có xu hướng tập trung vào các lỗi làm câu văn không rõ nghĩa hoặc dẫn đến hiểu lầm văn bản, thì một người đọc soát không tốt thường chỉ tập trung vào các chi tiết nhỏ nhặt. Dĩ nhiên một người đọc soát tốt thường xem lại tất cả những thay đổi mà họ đã thực hiện trước khi gửi bản sửa cho khách hàng. Một người đọc soát không tốt có thể không xem lại những điểm đã thay đổi hoặc chỉ làm qua loa đại khái. Cách đây không lâu, tôi nhận được một phiên bản chỉnh sửa cho bản dịch của tôi, trong đó tôi nhận ra rằng người đọc soát đã rất bất cẩn khi sử dụng chức năng “tìm kiếm và thay thế” (“find and replace”) và đã thay thế nhiều từ ngữ chính xác bao gồm cả tên và địa chỉ trang web ban đầu của công ty!

Đưa ra nhận xét

Những người đọc soát tốt thường sử dụng chức năng “đánh dấu thay đổi” (“track changes”) và chèn thêm ý kiến giải thích tại sao phần đó cần được sửa lại. Các ý kiến họ đưa ra phải có ý nghĩa và có ích cho người dịch và khách hàng. Kiểu nhận xét tiêu biểu của người đọc soát tốt có thể là “Tôi nghĩ rằng dịch từ này thành X là đúng, tuy nhiên, đối với đối tượng độc giả mục tiêu này, tôi đề xuất nên dịch là Y thay vì X”, hay “Tôi không nghĩ việc lựa chọn từ này là thích hợp trong trường hợp này, tôi đề xuất nên dịch là Y”. Nhiều người đọc soát tốt rất lịch thiệp bởi họ thường sử dụng câu hỏi khi đưa ra nhận xét thay vì đặt ra một mệnh lệnh, ví dụ, “thuật ngữ này nghe có vẻ kỳ lạ đối với người nói ngôn ngữ đích, hãy xem Z có thể là một lựa chọn từ ngữ tốt hơn trong trường hợp này không?”. Những người đọc soát không tốt có xu hướng điều chỉnh mọi thứ một cách quá mức, nhưng rất hiếm khi chèn thêm nhận xét hay giải thích. Khi họ viết nhận xét thì những nhận xét đó thường cộc lốc, mơ hồ, hoặc hách dịch nhưng lại không thuyết phục. Kiểu nhận xét tiêu biểu của người đọc soát không tốt có thể là những từ như “không chính xác”, “dịch sai”, “chọn từ không hay”.
Khi gửi lại file chỉnh sửa có “track changes”, những người đọc soát tốt thường viết một ghi chú ngắn cho quản lý dự án để trình bày đánh giá tổng thể về bản dịch mà họ vừa làm. Ngoại trừ trường hợp bản dịch quá tồi, một người đọc soát tốt cũng không quên khen ngợi biên dịch viên trên những khía cạnh tốt. Một người đọc soát tốt cũng sẽ tóm tắt những thay đổi mà họ đề xuất, và đưa ra giải thích ngắn gọn tại sao cần phải thay đổi như vậy. Những ghi chú điển hình mà tôi thường nhận được từ những người đọc soát tốt là: “Theo tôi thì bản dịch ban đầu rất tốt và chính xác, nhưng có một số lỗi nhỏ về chọn từ và văn phong mà tôi cho rằng cần phải được chỉnh lại để đảm bảo sự rõ ràng về ý nghĩa,” hoặc “Hầu hết những chỉnh sửa chỉ nhằm làm cho ý nghĩa của câu rõ ràng hơn. Chỉ có một ít chỗ tôi cho là dịch sai”.

Xử trí với những người đọc soát không tốt

Điều gì xảy ra khi người dịch nhận lại bản dịch của mình với chi chít dấu gạch đỏ mà anh ta thấy là sai và không công bằng? Tất nhiên cảm giác tức bực là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, một dịch giả chuyên nghiệp cần phải giữ được bình tĩnh. Người dịch cần nghiên cứu lại bản dịch và những chỉnh sửa thật cẩn thận và gửi lại cho quản lý dự án một email giải thích chi tiết tại sao những thay đổi của người đọc soát là không thể chấp nhận được. Do quản lý dự án thường không biết ngôn ngữ đích mà người dịch đang dịch sang nên các ví dụ về từ ngữ trong văn bản đích, nếu có, nên đi kèm với các từ tương đương trong tiếng Anh (có thể để trong ngoặc). Ví dụ, người dịch có thể viết một lời nhắn như sau: “Tôi đã xem kỹ những chỉnh sửa của người đọc soát và theo quan điểm của tôi, người này chỉ muốn tạo ấn tượng rằng bản dịch không đạt chất lượng tốt bằng việc đưa ra nhiều thay đổi phi lý và không cần thiết, ví dụ: “A” thành “B” (từ đồng nghĩa với “website”), “C” thành “D” (từ đồng nghĩa với “please”). Lưu ý rằng nếu các ví dụ bạn đưa ra càng cụ thể thì bạn càng thuyết phục được nhà quản lý dự án, đặc biệt là những người mới và chưa có kinh nghiệm, rằng cách dịch của bạn là đúng và hợp lý, và rằng nên thuê một người đọc soát khác để kiểm tra bản dịch của bạn thì tốt hơn.
(Nguồn: Tham khảo)

Bài viết khác

Danh mục

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin

Luôn cập nhật các tin tức và ý kiến dịch thuật từ chuyên gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2022 - Hi5! Media