Ứng dụng Bộ Nhớ (TM) trong dịch thuật

Bài Viết

Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tứcNgày nay, đối với các công ty dịch thuật cũng như các biên dịch viên tự do, việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ dịch thuật (CAT tool) đã không còn xa lạ. Song không phải ai cũng nắm rõ được các khái niệm liên quan và biết cách sử dụng chúng một cách hiệu quả khi áp dụng các phần mềm dịch thuật. Bài viết này sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về Bộ nhớ dịch thuật (Translation memory – TM) – Nhà băng của công việc dịch thuật.

Bộ nhớ dịch thuật là gì?

Bộ nhớ dịch là cơ sở dữ liệu bao gồm các phân đoạn có thể là câu, đoạn, từ hoặc cụm từ được tích lũy trong quá trình dịch thuật của biên dịch viên. Cơ sở dữ liệu trong TM tồn tại dưới dạng 1 cặp ngôn ngữ song song: ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích; 1 cặp dữ liệu như vậy còn được gọi là một đơn vị dịch thuật (Translation unit).

Bộ nhớ dịch thuật làm việc như thế nào?

Bộ nhớ dịch thuật làm việc dựa trên nguyên tắc trùng lặp về ngôn ngữ, nhất là khi bạn thực hiện dịch các tài liệu trong cùng chuyên ngành. Khi bắt đầu công việc dịch thuật, bạn tạo lập một bộ nhớ dịch thuật, thông thường có thể phân chia TM ra theo lĩnh vực để dễ dàng quản lý và sử dụng (ví dụ TM y tế, TM kỹ thuật, TM kinh tế, TM luật…). Toàn bộ nội dung mà bạn dịch sẽ được lưu vào bộ nhớ dịch thuật cho nên bạn làm việc các nhiều, TM càng lớn, khả năng trùng lặp càng cao.
Lấy ví dụ đối với phần mềm SDL Trados, khi ta đưa tài liệu cần dịch vào Trados và chọn TM thích hợp, hệ thống sẽ tự động chia văn bản của bạn thành các phân đoạn. Tiếp theo đó, hệ thống sẽ tìm kiếm trong TM và chiết xuất ra ngôn ngữ đích đối với những phân đoạn có trùng lặp. Thông thường sẽ có hai trường hợp: trùng lặp hoàn toàn và trùng lặp rời rạc. Trùng lặp hoàn toàn tức là một phân đoạn trong tài liệu nguồn đã trùng 100% với dữ liệu đã được dịch trong TM; bạn có thể hoặc không cần phải sửa lại bản dịch tùy thuộc độ tin cậy của TM. Còn đối với trùng lặp rời rạc, tức là phân đoạn nguồn tài liệu đang dịch có sự trùng lặp với dữ liệu trong bộ nhớ, nhưng tỷ lệ trùng lặp nhỏ hơn 100%, Trados sẽ vẫn đưa ra bản dịch tham khảo, những phần khác nhau giữa tài liệu đang dịch và TM sẽ được đánh dấu, bạn có thể dựa trên đó để hoàn thiện bản dịch. Chú ý bạn hoàn toàn có thể thay đổi tỷ lệ trùng lặp để Trados đưa ra bản dịch gợi ý theo mong muốn (Ví dụ: Nếu bạn cài đặt tỷ lệ trùng lặp nhỏ nhất là 70% thì chỉ những phân đoạn có tỷ lệ này lớn hơn 70% phần mềm mới chiết xuất ra bản dịch ở cột ngôn ngữ đích).
Ngoài ra, hầu hết các phần mềm còn cung cấp nhiều chức năng khác để tăng hiệu năng sử dụng Bộ nhớ dịch cho người dùng như nhập hoặc xuất nội dung, gộp các TM, sửa đổi các đơn vị dịch, tìm kiếm thuật ngữ…

Lợi ích khi sử dụng Bộ nhớ dịch thuật

Lợi ích đầu tiên được nhắc đến là khả năng cải thiện hiệu suất công việc dịch thuật. Suy luận một cách đơn giản, nhờ vào bộ nhớ dịch thuật, bạn sẽ không bao giờ phải dịch lại hai lần một câu, ngay cả trong trường hợp không trùng lặp 100%, bản dịch gợi ý cũng góp phần tiết kiệm thời gian tra cứu (ví dụ thay vì phải dịch 1 câu 20 từ, có thể bạn chỉ cần tra cứu 1 từ). Đây là một ưu điểm lớn khi sử dụng bộ nhớ dịch đặc biệt là đối với các tài liệu mang tính quy luật cao như Báo cáo tài chính, Hợp đồng, tài liệu hướng dẫn sử dụng, một số tài liệu kỹ thuật… Ngoài ra, việc phần mềm tự chiết xuất ra bản dịch cũng góp phần rút ngắn thời gian đánh máy đáng kể.
Lợi ích thứ hai của việc ứng dụng TM là đảm bảo tính thống nhất cho văn bản dịch về thuật ngữ cũng như lối diễn đạt. Thoạt đầu, đây chưa phải là vấn đề ưu tiên của nhiều dịch giả đặc biệt là những người mới vào nghề hoặc trong trường hợp dịch những tài liệu phi chuyên môn. Song đối với những dịch giả có kinh nghiệm và việc biên dịch các tài liệu chuyên môn hoặc mang tính pháp lý cao, sự thống nhất thuật ngữ lại là yếu tố vô cùng quan trọng. Ví dụ, khi dịch Báo cáo tài chính: “Current asset” có thể hiểu là “Tài sản ngắn hạn” hoặc “Tài sản lưu động”. Trường hợp này bản dịch “Tài sản lưu động” sẽ sát nghĩa với bản gốc hơn; song nếu bạn chọn cách dịch “Current asset = Tài sản ngắn hạn” thì khi dịch cụm “Fixed asset” bạn phải dịch thành “Tài sản dài hạn” thay vì dịch thành “Tài sản cố định”. Trong những trường hợp một từ hoặc cụm từ có nhiều cách diễn đạt như trên, việc sử dụng bộ nhớ dịch thuật sẽ đảm bảo cho bạn sự thống nhất về thuật ngữ không chỉ trong nội bộ một văn bản mà còn xuyên suốt cả dự án. Việc này sẽ mang đến sự hài lòng cho khách hàng đồng nghĩa với việc uy tín dịch vụ của bạn được nâng cao, từ đó dẫn đến tăng doanh thu qua tăng chất lượng sản phẩm hoặc tăng số lượng dự án.
Ngoài ra, sử dụng bộ nhớ dịch cũng góp phần làm giảm chi phí của doanh nghiệp hoặc cá nhân khi thuê ngoài dịch thuật. Thay vì giao một tài liệu 1000 từ và phải trả phí cho cả 1000 từ bao gồm cả số và những dữ liệu bạn đã có data dịch, bạn có thể sử dụng TM sẵn có để lọc ra những phần dữ liệu chưa hề có bản dịch và chỉ gửi cho biên dịch viên những phần dữ liệu này.
Có thể nói Bộ nhớ dịch thuật là công cụ và tài sản vô giá của biên dịch viên và doanh nghiệp. Không chỉ bởi những lợi ích nói trên, mà còn bởi vì khả năng sử dụng và mở rộng TM là vô hạn. Bạn càng sử dụng càng làm việc nhiều với các TM, giá trị của chúng càng cao, giá trị gia tăng càng lớn. Vì vậy bài toán đặt ra cho các cá nhân cũng như các doanh nghiệp là làm sao quản lý và sử dụng TM một cách hiệu quả và có hệ thống, đồng thời đảm bảo tính bảo mật cho những tài sản vô giá này.

Bài viết khác

Danh mục

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin

Luôn cập nhật các tin tức và ý kiến dịch thuật từ chuyên gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2022 - Hi5! Media