Bài Viết
Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tức
Cùng với quá trình toàn cầu hóa, nghề biên phiên dịch ngày nay đang thực sự phát triển do nhu cầu giao tiếp bằng ngoại ngữ phổ thông giữa các đối tác với nhau. Tuy nhiên nghề này cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bài báo này sẽ thảo luận về những thử thách mà một biên dịch viên phải đối mặt cũng như những yếu tố được coi như lợi thế cạnh tranh của họ trong môi trường làm việc hiện đại và yêu cầu cao như hiện nay.
Liệu kiến thức nền tảng có quan trọng?
Có một sự thật hiển nhiên là những người được tiếp xúc với môi trường đa văn hóa, đa ngoại ngữ từ khi còn nhỏ thường có xu hướng trở thành biên dịch viên vì họ có một nền tảng kiến thức vững chắc về ngôn ngữ và những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống thường ngày tại nơi mà họ nói ngôn ngữ đó.
Một ví dụ điển hình là Beatriz Candil Garcia – một biên dịch viên làm việc tại Anh chuyên xử lý các văn bản viết bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý và tiếng Pháp. Biên dịch viên này cho biết: “Thực sự tôi bắt đầu công việc này rất tình cờ. Cứ ba bốn năm, gia đình tôi lại chuyển đến một đất nước khác để sinh sống cho nên tôi có điều kiện được học ngoại ngữ mới. Lần đầu tiên khi tôi bắt đầu công việc trong ngành quốc phòng, người ta luôn yêu cầu tôi dịch các văn bản vì công ty không tìm được ai biết ngôn ngữ đó. Và tôi đã chấp nhận. Thật may mắn là tôi cảm thấy rất thích công việc đó”.
Hình thức giáo dục nào được yêu cầu?
Ngày nay, để trở thành một biên dịch viên, việc có chứng chỉ và được cấp phép thực sự không bắt buộc. Thực tế, các khóa học tại trường đại học, cao đẳng về biên dịch hầu như hoàn toàn mới mẻ. Beatriz, người có bằng cấp chuyên môn về dịch thuật pháp lý và nghe nhìn, cho rằng thậm chí việc học bên ngoài môi trường học thuật cũng quan trọng không kém. Tuy nhiên, biên dịch viên còn chia sẻ thêm rằng: “Khi tôi nhận ra việc tôi thực sự muốn làm là biên dịch, tôi đã quyết định phải chuẩn bị kỹ cho tương lai của mình và khi trường đại học có khóa biên dịch sắp mở, tôi đã đăng ký và tin rằng mình sẽ học được nhiều ở đó”.
Kinh nghiệm trong nghề biên dịch có cần thiết?
Một số dự án dịch thuật yêu cầu cao về kiến thức kỹ thuật để phục vụ cho nội dung của dự án cho nên kinh nghiệm trước đây là vô cùng quý giá. Một trong những bất lợi của những biên dịch viên mới vào nghề là việc thiếu kinh nghiệm đã làm họ mất đi nhiều cơ hội nghề nghiệp.
Phẩm chất cá nhân nào cần phải có?
Có một danh sách những phẩm chất cá nhân mà một biên dịch viên giỏi phải có nhưng có thể nói khả năng quản lý thời gian hiệu quả và cam kết với công việc là hai phẩm chất quan trọng nhất. Beatriz cho biết: “Đối với một dự án lớn, tôi phải đảm bảo rằng tôi không có bất cứ vướng bận gia đình nào. Tôi sẽ tiến hành xem các văn bản ngay khi nhận việc và dự tính thời gian hoàn thành dự án đó và tất nhiên cộng thêm một khoảng thời gian dư ra phòng khi có sự cố xảy ra”.
Martyn cũng đồng tình và chia sẻ “Khi tôi nhận việc, tôi chấp nhận rằng tôi sẽ thực sự phải dành thời gian để hoàn thành công việc đó. Tôi dự tính được những sự việc có thể xảy ra và không lấy làm ngạc nhiên gì cả. Tôi đã biết cách quản lý thời gian của mình hiệu quả hơn bao giờ hết kể từ khi tôi làm công tác biên dịch”.
Cả hai biên dịch viên đồng ý rằng có thể họ sẽ phải làm việc qua đêm. Đối với những ai chỉ muốn làm công việc trong giờ hành chính thì có lẽ biên dịch không phải là một lựa chọn sáng suốt. Tuy nhiên, nghề nghiệp này cũng có những điểm tích cực. Martyn chia sẻ: “Tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn vì tôi biết cách tạo cho mình nhiều thời gian rảnh rỗi hơn”. Beatriz cũng thêm vào: “Về lâu về dài, nghề biên dịch sẽ thoải mái thời gian hơn. Nhưng bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng và thực sự tập trung vào công việc. Công việc này không tính dựa trên thời gian mà bạn làm việc. Chúng tôi chỉ chú trọng tới kết quả bạn mang lại. Tôi thực sự không quan tâm việc bạn có ăn trưa hay ngủ không”.
Bài viết khác
Danh mục
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin