Mỹ la-tinh: Khu vực giàu tiềm năng, phát triển năng động

Bài Viết

Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tức

Các quốc gia Mỹ la-tinh có rất nhiều điểm tương đồng, gắn kết với nhau về truyền thống lịch sử, văn hóa, chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ (phần lớn nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và tiếng Anh)…, tạo thuận lợi rất lớn cho sự giao lưu, hợp tác, hội nhập giữa các nước trong nội khối với nhau cũng như giữa khu vực với quốc tế.

Tuy chỉ chiếm hơn 8% dân số (577,2 triệu người) và 14,7% diện tích của thế giới (21,5 triệu km2), nhưng Mỹ la-tinh có nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản đa dạng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng trữ lượng của thế giới.Nhiều nước Mỹ la-tinh, với ba nền kinh tế đầu tàu là Bra-xin, Mê-hi-cô và Ác-hen-ti-na – thành viên Nhóm G20, đạt trình độ khá cao trong nhiều lĩnh vực như khai thác, chế biến dầu khí, năng lượng (thủy điện, phong điện…), khai thác khoáng sản, công nghệ cao, công nghệ và nhiên liệu sinh học, nông nghiệp, chế biến nông-lâm-hải sản…
Những năm gần đây, kinh tế Mỹ la-tinh có sự bứt phá, phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, cùng với châu Á, được đánh giá là những điểm sáng về tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Cùng với quá trình phát triển ở từng nước, Mỹ la-tinh ngày càng quan tâm đẩy mạnh liên kết và hội nhập khu vực và quốc tế. Những năm gần đây một loạt tổ chức hội nhập chính trị-kinh tế cấp tiểu vùng và cấp vùng được củng cố hoặc thành lập mới như Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Cộng đồng các quốc gia An-đết (CAN), Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Khối thị trường chung Trung Mỹ và Ca-ri-bê (CARICOM), Liên minh Bô-li-va cho Mỹ la-tinh (ALBA)… Xu hướng này đã biến Mỹ la-tinh thành một thị trường rộng lớn và ngày càng đồng nhất, tạo thuận lợi cho các đối tác bên ngoài khu vực tiếp cận và hoạt động kinh doanh, đầu tư.

Nhằm phục vụ mục tiêu phát triển, hầu hết các nước Mỹ la-tinh có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối ngoại nói chung và chính sách kinh tế đối ngoại nói riêng, từ chỗ tập trung vào các đối tác Tây bán cầu, các nước Mỹ la-tinh chủ động mở rộng quan hệ với các đối tác ngoài khu vực, nhất là hướng mạnh sang châu Á – Thái Bình Dương. Theo hướng đó, nhiều nước Mỹ la-tinh ngày càng tích cực tham gia các tổ chức hội nhập liên khu vực như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Ðông Á – Mỹ la-tinh (FEALAC), Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), quan tâm thiết lập quan hệ với ASEAN. Ðây là tiền đề quan trọng để phát triển quan hệ Việt Nam và các nước Mỹ la-tinh theo hướng gắn kết, hiệu quả hơn.

Việt Nam – Mỹ la-tinh: Từ bạn bè truyền thống đến đối tác toàn diện

Giữa Việt Nam và các nước Mỹ la-tinh vốn có quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống tốt đẹp, bắt nguồn từ sự tương đồng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nhân dân Việt Nam vẫn còn mãi ghi nhớ và biết ơn nhân dân Mỹ la-tinh đã rầm rộ tổ chức các phong trào phản chiến, bày tỏ sự ủng hộ sắt son với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vì độc lập tự do của nhân dân Việt Nam, góp phần hình thành một mặt trận của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam. Ngay trong khói lửa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Cu-ba (1960), Chi-lê (1971) và Ác-hen-ti-na (1973).

Sau thắng lợi lịch sử của Việt Nam năm 1975, quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Việt Nam và các nước Mỹ la-tinh được mở rộng. Trong năm năm (1975-1980), Việt Nam thiết lập thêm quan hệ ngoại giao với mười nước Mỹ la-tinh. Việt Nam cũng đã sát cánh cùng các nước bạn bè Mỹ la-tinh trong cuộc đấu tranh vì độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Các nước Mỹ la-tinh đã ủng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập LHQ năm 1977, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chống lại các biện pháp bao vây, cấm vận.

Kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới vào năm 1986, quan hệ với các nước Mỹ la-tinh bước vào một giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ hơn và toàn diện hơn. Từ 1986 đến nay, Việt Nam đã thiết lập thêm quan hệ ngoại giao với 14 nước ở khu vực này. Việc trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và các nước Mỹ la-tinh được thực hiện thường xuyên, qua đó thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam với một số nước. Hàng chục hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, tạo cơ chế và hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Mỹ la-tinh.

Ðến năm 2012, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 27 nước Mỹ la-tinh, thiết lập các Ủy ban hợp tác hỗn hợp liên chính phủ với năm nước, thiết lập các cơ chế tham khảo chính trị với 15 nước Mỹ la-tinh. Việt Nam hiện có bảy Ðại sứ quán tại khu vực; tám nước Mỹ la-tinh đã mở Ðại sứ quán tại Hà Nội.Quan hệ chính trị, hữu nghị truyền thống tốt đẹp và không ngừng phát triển đã tạo tiền đề và nền tảng vững chắc cho việc mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước Mỹ la-tinh, nhất là trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư. Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng cao, đạt mức tăng khoảng 30% năm, từ 300 triệu USD năm 2000 lên 5,1 tỷ USD năm 2011, gấp 17 lần. Riêng với ba nền kinh tế lớn nhất của khu vực là Bra-xin, Mê-hi-cô và Ác-hen-ti-na, kim ngạch thương mại hai chiều đã vượt mức một tỷ USD với mỗi nước.

Bài viết khác

Danh mục

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin

Luôn cập nhật các tin tức và ý kiến dịch thuật từ chuyên gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2022 - Hi5! Media