Một vài điểm cần lưu ý khi dịch tài liệu Pháp lý

Bài Viết

Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tứcThương mại quốc tế phát triển mạnh mẽ đã kéo theo sự gia tăng về nhu cầu dịch thuật pháp lý. Biên dịch tài liệu pháp lý ngoài yêu cầu kiến thức chuyên ngành đặc thù, một biên dịch viên còn phải có trình độ tốt trong việc sử dụng chính xác các thuật ngữ pháp lý và phong cách ngôn ngữ pháp lý trong bản dịch của họ. Dịch sai tài liệu pháp lý có thể gây ra những tổn thất rất lớn cho khách hàng. Do vậy, biên dịch viên cần nắm được những lưu ý sau để đảm bảo cho bản dịch của mình có chất lượng cao nhất.Trước khi tiến hành dịch, người dịch nên đọc qua toàn bộ tài liệu để xác định thể loại và văn phong sử dụng. Việc đọc trước tài liệu giúp cho biên dịch viên hiểu nội dung văn bản, nắm ý chính của toàn văn bản để chọn cách dịch phù hợp. Dựa vào thể loại văn bản cùng các hiện tượng ngữ pháp, có thể xác định được văn phong của tài liệu là thông thường hay trang trọng. Mỗi tài liệu đều được viết cho những mục đích, đối tượng nhất định. Một tài liệu hay sẽ càng tăng giá trị hơn nếu bản dịch của nó phù hợp với văn phong cũng như lối tư duy của người đọc. Thông thường văn bản pháp lý thường sử dụng văn phong trang trọng cùng lối diễn đạt đặc thù, ví dụ như các quy định pháp luật, các điều khoản hợp đồng thường rất ngắn gọn, súc tích. Người dịch cần truyền tải được những đặc tính này vào bản dịch của mình để văn bản đích vẫn giữ được phong cách viết của người lập văn bản/ soạn thảo hợp đồng.
Lưu ý tiếp theo đối với mỗi biên dịch viên tài liệu pháp lý đó là cần nắm vững các đặc trưng của văn bản viết Tiếng Anh pháp lý, gồm hai thành phần chính là từ vựng và ngữ pháp. Người dịch thường gặp khó khăn khi tiếp cận văn bản pháp lý vì các văn bản này ngoài việc sử dụng các thuật ngữ (từ vựng chuyên môn), còn hay sử dụng các từ cổ, từ La – tinh, từ có gốc tiếng Pháp, từ đồng nghĩa/ gần đồng nghĩa cùng cấu trúc câu dài, phức tạp, đảo trật tự từ, câu bị động,… Các từ ngữ cổ hoặc từ ngữ ít dùng có thể là: trạng ngữ “hereinafter” (dưới đây/ sau đây), tính từ “aforesaid” (vừa đề cập),… Trong hệ thống Tư pháp Anh, có nhiều văn bản vẫn sử dụng rất nhiều từ La – tinh và từ có gốc tiếng Pháp, biên dịch viên chắc hẳn không thấy lạ lẫm gì với những từ ngữ loại này được sử dụng trong văn bản pháp luật như: “alias” (còn có tên khác là), “alibi” (bằng chứng ngoại phạm),… Giống như thuật ngữ Latinh, một số thuật ngữ tiếng Pháp do nhiều nguyên nhân cũng hiện diện trong tiếng Anh pháp lý. Một số ví dụ sau minh họa các thuật ngữ pháp lý tiếng Anh có nguồn gốc tiếng Pháp như: “contract” (hợp đồng), “plaintiff” (nguyên đơn),…Một số trong số các kết hợp đặc trưng nhất là những kết hợp mà các từ đồng nghĩa/gần đồng nghĩa kết hợp lại, đôi lúc là ba từ (trinominals) nhưng thông thường hai từ (binomials) như: “made and signed” (được lập và kí kết), “terms and conditions” (điều khoản và điều kiện),… Bên cạnh những thách thức về mặt từ vựng, người dịch cũng hay gặp phải khó khăn về mặt ngữ pháp trong các tài liệu pháp lý, mà sự phức tạp trong ngữ pháp của ngôn ngữ chuyên ngành Luật là do độ dài câu gây nên. Các câu trong văn bản luật thường dài, có cấu trúc của câu phức, câu ghép hay câu ghép phức, không có nhiều câu đơn và dấu chấm hết câu chỉ được sử dụng ở cuối những đoạn có nội dung chính hoặc ở cuối văn bản. Có thể xem xét trong câu sau được trích từ “The Taxes Acts”, “Income tax, Corporation tax and Capital gains tax”, câu có độ dài 71 từ bao gồm các thành phần câu có động từ đã được chia requiring, permitting or assuming, các cấu trúc bị động dùng trong các ngữ động từ having been deducted from, (having been) paid on, be construed .Điều 4. (1) Any provision of the Income Tax Acts requiring, permitting or assuming the deduction of income tax from any amount (otherwise than in pursuance of section 203) or treating income tax as having been deducted from or paid on any account, shall, subject to any provision to the contrary, be construed as referring to deduction or payment of income tax at the basic rate in force for the relevant year of assessment.

Thông thường các câu trong văn bản luật thường được kết cấu dài và phức tạp, vậy để có thể hiểu được, người dịch cần “vững” ngữ pháp để có thể phân tích được các thành phần trong câu và hiểu được những đại từ (it, they, this, that, there, these, those…) để chỉ những người và những điều đã được nói đến trước đó, hiểu được quan hệ giữa các thành phần câu nhờ các phương tiện ngữ pháp như từ nối, đại từ liên hệ…

Nếu không tra cứu cẩn thận, nắm chắc ngữ pháp cũng như văn phong của tài liệu pháp lý thì dễ dẫn đến hiểu sai, dịch sai. Dịch sai một đoạn trong hợp đồng có thể dẫn đến kiện tụng và tốn kém về tiền bạc, mất đi đối tác, mất đi cơ hội. Do vậy, để nắm vững các đặc trưng của tài liệu pháp lý, người dịch cần phải học bằng nhiều cách: làm việc với người có kiến thức chuyên ngành (học và hỏi); các nguồn sách tham khảo và từ điển; theo học các lớp học liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành; đọc sách báo, nghe đài, xem ti vi; lập nhóm thảo luận về dịch thuật….
Cuối cùng, ngoài việc đảm bảo tính chính xác của văn bản dịch, biên dịch viên tài liệu pháp lý cũng cần đảm bảo thời gian hoàn thành bản dịch. Các tài liệu pháp lý vô cùng phong phú, có thể là các báo cáo luật, và các văn bản pháp lý tục lệ như các hiệp ước quốc tế, các quy định, chính sách bảo hiểm, các hợp đồng buôn bán hay di chúc. Trong phiên tòa, chỉ cần một sự chậm trễ về mặt cung cấp tài liệu chứng cứ thôi cũng có thể khiến cho các tài liệu đó trở nên vô hiệu. Bảo mật cũng là một vấn đề bởi vì hầu như tất cả các tài liệu pháp lý đều chứa thông tin “nhạy cảm”. Do vậy, khi thực hiện công việc dịch thuật tài liệu pháp lý, người dịch cần đảm bảo chuẩn xác về mặt thời gian mà vẫn đảm bảo được chất lượng cũng như tính bảo mật cho tài liệu.

Dịch thuật là một công việc đòi hỏi người dịch phải có tính kiên trì, cẩn thận và cầu thị. Đối với tài liệu pháp lý, người dịch cần biết phân tích để nắm vững ý chính của văn bản nguồn kết hợp khả năng ứng dụng ngôn ngữ tạo nên văn bản đích phù hợp về nội dung và thuật ngữ. Dịch thuật tài liệu pháp lý là một công việc khó khăn. Công việc này đòi hỏi người biên dịch pháp lý phải có nền tảng học thức phù hợp, và có kinh nghiệm nhiều năm dịch thuật pháp lý. Vì vậy, việc nghiên cứu cẩn thận lĩnh vực pháp lý là cần thiết để hiểu được các khái niệm ẩn sau thuật ngữ và đảm bảo bản dịch phải chuyển tải được ý tưởng mà không chỉ đơn thuần là từ ngữ.

Bài viết khác

Danh mục

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin

Luôn cập nhật các tin tức và ý kiến dịch thuật từ chuyên gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2022 - Hi5! Media