Xử lý một số vấn đề thường gặp trong dịch thuật

Bài Viết

Chuyên gia / Người dịch / Kiến thức / Chia sẻ / Tin tứcTrong quá trình dịch thuật, các dịch thuật viên bất kể có kinh nghiệm thế nào cũng sẽ gặp phải những vấn đề khó khăn trong dịch thuật. Như việc không tìm kiếm được từ tương đương, cách chơi chữ, ẩn dụ, danh ngôn, hay từ đa nghĩa hoặc những câu dễ hiểu nhầm. Trong bài viết này, tôi chia sẻ một số kinh nghiệm của mình hy vọng sẽ giúp được các dịch thuật viên hoặc các bạn sinh viên có thêm sự hiểu biết để phục vụ cho công việc và học tập của mình.

“Lỗ hổng” trong ngôn ngữ đích

Sự khác biệt về khái niệm giữa các ngôn ngữ vốn không còn xa lạ đối với những người làm dịch thuật. Và vấn đề mà người dịch thường phải đối mặt ở đây là văn bản gốc có chứa những từ ngữ hay cụm từ không tồn tại trong ngôn ngữ đích. Hầu hết những từ ngữ và cụm từ này là các từ mang đặc trưng văn hóa của ngôn ngữ gốc hay các tổ chức cụ thể của một quốc gia Thông thường trong trường hợp này, việc dịch trực tiếp là không thể hoặc không thỏa đáng. Và nhiệm vụ của người dịch là “lấp đầy lỗ hổng” đó và cung cấp thêm thông tin cho người đọc. Để xử lý vấn đề này, người dịch có thể áp dụng một trong những cách sau tùy theo điều kiện cụ thể của công việc dịch:

  1. Sử dụng lời diễn giải để thay thế cho từ ngữ mang đặc trưng văn hóa hay quốc gia

Ví dụ:

ST: Tối nay đoàn ta sẽ đi xem biểu diễn ca trù.

Ở đây “ca trù” là một từ mang đặc trưng văn hóa của nước Việt, và chưa có khái niệm tương đương trong tiếng Anh; vì thế, khi dịch sang tiếng Anh, người dịch có thể diễn giải thêm về loại hình âm nhạc này nhằm giúp người đọc có một ý tưởng chung về khái niệm.

TT: Tonight our team is going to a performance of a Vietnamese ancient genre of chamber music.

  1. Giữ nguyên từ mang đặc trưng văn hóa và bổ sung thêm lời diễn giải ở bên cạnh

Với cùng ví dụ như trên, ta sẽ được một bản dịch khác như sau:

TT: Tonight our team is going to a performance of ca trù – a Vietnamese ancient genre of chamber music.

  1. Tìm một từ trong ngôn ngữ đích có ý nghĩa tương tự hoặc biểu đạt một khái niệm tương đương để thay thế cho từ mang đặc trưng văn hóa hoặc quốc gia

Trong ví dụ trên, buổi “biểu diễn ca trù” có thể được hiểu chung chung là “a concert” trong tiếng Anh, nghĩa là một buổi trình diễn âm nhạc mở cửa cho công chúng. Áp dụng theo cách này, ta sẽ có bản dịch như sau:

TT: Tonight our team is going to a concert.

Tuy nhiên, việc thay thế “ca trù” thành “concert” không diễn tả được đặc trưng của bản gốc mà chỉ giúp người đọc dễ hiểu hơn vì “concert” là một từ quen thuộc trong ngôn ngữ đích. Và người dịch chỉ nên áp dụng cách xử lý này khi việc dịch chính xác từ ngữ không quá quan trọng mà chỉ cần diễn tả được ý tưởng hoặc khái niệm được nêu trong bản gốc.

Ẩn dụ, danh ngôn, thành ngữ, chơi chữ, châm biếm, v.v.

Có nhiều phép ẩn dụ hay thành ngữ, tục ngữ mà bạn không thể dịch sang ngôn ngữ đích từng từ một bởi nếu dịch như vậy thì sẽ không có ý nghĩa gì cả. Đối với chơi chữ hay châm biếm cũng vậy, bạn không nên chỉ dịch theo nghĩa đen mà làm mất đi hiệu quả của việc sử dụng các phương pháp này. Khi dịch các phép ẩn dụ hay thành ngữ, tục ngữ, điều quan trọng nhất là phải truyền tải được thông điệp của bản gốc. Nhiều danh ngôn, tục ngữ, thành ngữ có cách diễn đạt tương đương trong ngôn ngữ đích, vì vậy hãy tra cứu thật kỹ để tìm ra cách dịch phù hợp.

Ví dụ:

Câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” có thể được dịch nguyên văn sang tiếng Anh là “If you eat the fruit, remember the one who grows the tree”; tuy nhiên, cách nói này nghe không có vẻ tự nhiên đối với người đọc trong ngôn ngữ đích, nên người dịch cần tìm một cách diễn đạt tương đương trong tiếng Anh là “Honor the tree that gives you shelter”.

Việc dịch các từ chơi chữ, truyện cười hay yếu tố hài hước thường khó khăn hơn vì tác giả sẽ sử dụng ý nghĩa cụ thể trong ngôn ngữ gốc (chẳng hạn như sự mập mờ trong ý nghĩa của cùng một từ) hay cách phát âm của từ đó. Trong trường hợp này, bạn cũng không nên dịch theo nguyên văn mà hãy cố gắng truyền tải khía cạnh hài hước sang ngôn ngữ đích.

Ví dụ trong tập thứ tư của loạt truyện Harry Potter, có một đoạn hội thoại hài hước giữa hai nhân vật Hermione Granger và Harry Potter như sau:

“Inside [the box] were about fifty badges, all of different colors, but all bearing the same letters: S.P.E.W.

“ ‘Spew’?” said Harry, picking up a badge and looking at it.

“What’s this about?”

“Not spew,” said Hermione impatiently. “It’s S-P-E-W. Stands for the Society for the Promotion of Elfish Welfare.”

Ở bản gốc, Harry đã cố tình hiểu từ viết tắt “S.P.E.W.” thành “spew” (nghĩa là “nôn mửa”) để trêu chọc Hermione. Nhưng nếu dịch nguyên như vậy thì sẽ không tạo được tiếng cười một cách tự nhiên trong tiếng Việt, vì vậy nhà văn Lý Lan – dịch giả của bộ truyện này –  đã có một cách xử lý rất tài tình:

“Bên trong [cái hộp] là năm chục cái huy chương, đủ màu khác nhau, tất cả đều có chữ H.V.Đ.C.Q.L.G.T .

Harry hỏi, nhặt một cái huy chương lên xem:

“Hột vịt đẹt Cho quyền lợi Gia tinh hả? Nghĩa là sao?”

Hermione mất hết kiên nhẫn:

“Không phải ‘Hột vịt đẹt cho quyền lợi Gia tinh’ mà là H.V.Đ.C.Q.L.G.T.. Viết tắt cho Hội vận động cho quyền lợi Gia tinh.”

Dễ thấy dịch giả đã chuyển “S.P.E.W.” thành các từ viết tắt trong tiếng Việt là “H.V.Đ.C.Q.L.G.T.” và từ ba chữ “H.V.Đ.” dịch thành “Hột vịt đẹt” để gây cười cho độc giả.

Từ đa nghĩa, từ đồng tự, từ đồng âm

Từ đa nghĩa, từ đồng tự và từ đồng âm là những yếu tố góp phần khiến cho bản gốc bị mập mờ. Từ đa nghĩa là một từ có nhiều nghĩa khác nhau, từ đồng tự là những từ viết giống nhau nhưng có ý nghĩa và cách phát âm khác nhau, còn từ đồng âm là những từ viết giống nhau, phát âm giống nhau nhưng nghĩa lại hoàn toàn khác nhau. Cùng là một từ nhưng có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy theo vị trí và cách sử dụng trong câu. Để xử lý vấn đề mập mờ do những từ này gây ra, người dịch trước tiên cần xem xét mối quan hệ của từ đó với những từ còn lại trong câu, xác định xem từ đó là loại từ gì (động từ, danh từ, tính từ hay trạng từ), rồi tra cứu thật kỹ để tìm ra nghĩa phù hợp.

Ví dụ:

ST: Our car was crusing a winding country road.

TT1: Xe chúng tôi men dọc theo con đường quê lộng gió.

TT2: Xe chúng tôi men dọc theo con đường quê uốn lượn.

Trong TT1, người dịch chắc hẳn đã bị nhầm lẫn giữa các ý nghĩa của từ “wind”. Khi là danh từ hay tính từ  (wind, windy), từ này sẽ có nghĩa là gió; nhưng khi là động từ (wind) thì có nghĩa là “quanh co/uốn khúc”. Từ “winding” trong ST thực chất có gốc là động từ “wind”, và được thêm hậu tố “-ing” để trở thành tính từ bổ nghĩa cho cụm danh từ “country road”. Do vậy, cách dịch ở TT2 là đúng.

Trên đây chỉ là một số vấn đề thường gặp trong dịch thuật và cách xử lý tương ứng với mỗi trường hợp. Trong quá trình dịch chắc chắn sẽ còn gặp phải rất nhiều vấn đề cần xử lý, vậy nên người dịch luôn cần tự trau dồi và bổ sung kiến thức cũng như kỹ năng cho mình để có thể tạo ra những bản dịch ngày càng hoàn thiện hơn.

Linh Lê

Bài viết khác

Danh mục

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin

Luôn cập nhật các tin tức và ý kiến dịch thuật từ chuyên gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2022 - Hi5! Media